Tiếng Việt | English

10/10/2017 - 05:49

Giảm gánh nặng nợ công bằng cách nào?

Theo Bộ Tài chính, ước tính đến cuối năm 2017, nợ công ở Việt Nam có thể lên tới hơn 64% GDP, rất sát với mức trần (65%).

Nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 2 triệu tỉ đồng, tương đương 61% GDP. Cho đến nay dù ở dưới mức trần cho phép là 65% GDP, tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Do đó, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm áp lực nợ công, đảm bảo bền vững tài khoá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh, do chính sách tài khoá nới lỏng trong những năm qua.

Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, trong đó nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm gần 11%. Bản tin nợ công mới đây do Bộ Tài chính công bố cũng cho thấy những con số đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, áp lực nợ công Việt Nam hiện nay còn đến từ bội chi ngân sách ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 5,6% GDP.

Năm 2015, nợ được Chính phủ bảo lãnh là gần 21 tỉ USD, tương đương hơn 455.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 13 tỉ USD của năm 2011. Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là vay nước ngoài hơn 11,3 tỉ USD, còn lại là vay trong nước. Đây là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai.

Thực tế, việc Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho nhiều doanh nghiệp vay nợ dẫn đến rủi ro, nhất là khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ có nguy cơ phải trả nợ thay.

TS Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính cho rằng, cần siết chặt bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước, để kéo giảm nợ công: “Chính phủ không nên bảo lãnh nhiều cho doanh nghiệp nhà nước chỉ làm dự án kinh doanh mang tính lợi nhuận, mà chỉ nên tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện kinh doanh chung cho hệ thống. Vì những dự án kinh doanh thì có nhiều rủi ro.

Chẳng hạn như dự án thép, lúc bắt đầu làm thị trường sôi động thì thuận lợi nhưng thực hiện thì thị trường thay đổi. Hoặc như dự án dầu khí, khi giá dầu lên 130 USD/thùng thì có lãi, giờ xuống khoảng 40 USD/thùng thì lại lỗ.”.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, áp lực nợ công Việt Nam hiện nay còn đến từ bội chi ngân sách ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 5,6% GDP. Đáng chú ý là chi thường xuyên tại Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, chiếm 70% trong thời kỳ 2011-2015, cao hơn con số 63% của giai đoạn 5 năm trước đó.

Trong khi đó, chi đầu tư cũng còn những điểm bất cập, khi chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, thuộc dạng cao nhất trong các quốc gia đang phát triển với mức trung bình khoảng gần 40%. Đầu tư công còn dàn trải, chồng chéo, trùng lặp. Chẳng hạn như đầu tư cảng biển, sân bay, cả Trung ương và địa phương đều lập kế hoạch.

Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, trong đó nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm gần 11%.

Giả sử phê duyệt hết các kế hoạch này, thì Việt Nam sẽ có nhiều cảng nước sâu và sân bay nhất so với các nước cùng trình độ thu nhập. Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, để giảm áp lực nợ công, Việt Nam cần đảm bảo tính hiệu quả của đầu tư công, để các nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất.

Theo ông Sebastian Eckardt: “Các kế hoạch củng cố ngân sách theo các cam kết hiện nay của Chính phủ phải được triển khai một cách nhất quán để đảm bảo quỹ đạo nợ công quay lại lộ trình bền vững, đặc biệt trong bối cảnh yếu tố ưu đãi của nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm xuống. Do đó Việt Nam cần duy trì và nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản thông qua việc từng bước tăng chi khai thác và duy tu bảo dưỡng qua kế hoạch tài chính-ngân sách và kế hoạch đầu tư trung hạn.”.

Hiện nợ công vẫn ở dưới ngưỡng cho phép là 65% GDP, tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, ước tính đến cuối năm 2017, nợ công ở Việt Nam có thể lên tới hơn 64% GDP, rất sát với mức trần. Do đó, việc kéo giảm nợ công là rất cấp bách, đòi hỏi phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước để đảm bảo phát triển bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng kết thực hiện đánh giá chi tiêu và khẩn trương có biện pháp để điều chỉnh, trình luật đầu tư công để khắc phục đầu tư dàn trải, đẩy nhanh thực hiện cơ chế đầu tư mới để phát huy hiệu quả đồng vốn bỏ ra.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước- Bộ Tài chính cho biết phía Bộ Tài chính cũng đang thực hiện các giải pháp cụ thể để kéo giảm nợ công: “Vừa rồi Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Mục tiêu đưa ra là kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016-2020 là 4% và sau năm 2020 giảm về mức 3,5%. Theo đó kéo giảm nợ công xuống dưới 65% GDP. Hiện tại Bộ Tài chính cũng đang thực hiện Nghị quyết 07 này, chúng tôi cũng đang có các giải pháp cơ cấu lại nợ, đưa các khoản nợ ngắn hạn lãi suất cao thành dài hạn lãi suất ưu đãi, thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước. Hy vọng trong chu kỳ 5 năm tới sẽ giảm được nợ công.”.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang đứng trước nhiều khó khăn, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ. Do đó, kỷ luật tài khóa cần phải được siết chặt, kiên quyết thực hiện lộ trình giảm bội chi ngân sách, quản lý hiệu quả đầu tư công...từ đó giảm gánh nặng nợ công, góp phần tăng trưởng và ổn định vĩ mô./.

Việt Hà/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết