Tiếng Việt | English

05/03/2018 - 20:02

Thông tin và hỏi - đáp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Gian lận bảo hiểm y tế sẽ bị phạt tù

Câu hỏi: Pháp luật hình sự hiện hành quy định xử lý hình sự đối với hành vi gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) như thế nào?

(tranthy011978@gmail.com)

Trả lời:

Theo Điều 215 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, tội gian lận BHYT được quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

b) Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong KCB hưởng chế độ BHYT trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền BHYT 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Gian lận bảo hiểm y tế sẽ bị phạt tù. Ảnh minh họa: T.N

Câu hỏi: Tôi đang mang thai và thời gian dự sinh là ngày 10/5/2018. Hợp đồng lao động của tôi sẽ hết thời hạn vào ngày 01/3/2018. Nếu công ty không tiếp tục ký hợp đồng lao động thì tôi có được hưởng chế độ thai sản hay không? Tôi có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 8/2017 đến 02/2018. Nếu được hưởng chế độ thai sản thì tôi phải nộp hồ sơ tại nơi tôi đóng BHXH hay địa phương tôi cư trú?

Hồ Thị Anh Thư (TP.Tân An)

Trả lời:

Khoản 2, khoản 3, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Nếu thời gian sinh con của chị đúng theo dự tính thì chị có 7 tháng đóng BHXH trong thời gian 12 tháng trước khi sinh nên được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản của chị nộp tại BHXH địa phương nơi chị cư trú./.

Bảo hiểm Xã hội Long An

Từ ngày 10/7/2017, Báo Long An phối hợp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Long An mở chuyên mục Thông tin và Hỏi - Đáp về BHXH, bảo hiểm y tế trên trang 9 số báo thứ hai hàng tuần nhằm giải đáp những thắc mắc của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế. Mọi thắc mắc xin bạn đọc gửi thư về Văn phòng - BHXH tỉnh Long An, số 135 Quốc lộ 1, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An hoặc email: ptchcbhxhla@gmail.com.
Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích