Tiếng Việt | English

13/09/2016 - 09:41

Giành lại sự kiểm soát hành lang an toàn đường bộ

Thời gian gần đây, do nhu cầu phát triển kinh tế, "đất mặt tiền" có vị trí thuận lợi cho kinh doanh nên nhiều tổ chức, cá nhân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ sử dụng cho lợi ích của mình, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.


Chợ Bắc Đông, Quốc lộ 62 sẽ được thí điểm giải tỏa nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Mạnh ai nấy lấn đường!

Toàn tỉnh Long An có 4 tuyến quốc lộ (QL) đi qua địa bàn là: QL1, QLN2, QL50 và QL62, đây là những tuyến đường huyết mạch, lưu lượng và mật độ giao thông của phương tiện rất lớn. Ngoài ra, các tuyến đường tỉnh (ĐT) như: 830, 835, 829, 827, 831, 837,... là những tuyến giao thông chính kết nối các khu, cụm công nghiệp, vùng chuyên canh nông nghiệp với các địa phương và tỉnh bạn như: TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp. Tại các trục lộ, tuyến đường chính, tình trạng hộ dân, doanh nghiệp, tổ chức lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ diễn ra rất phổ biến, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An - Đặng Hoàng Tuấn, hiện nay, tại một số tuyến đường hình thành các chợ tự phát, vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa giải tỏa được, gây cản trở giao thông và mỹ quan đô thị. Điển hình là chợ Bắc Đông trên QL62, thuộc địa bàn xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa; chợ tự phát phía trước Công ty Đế Vương trên QL1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức; chợ chiều trên ĐT825, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa; chợ ngã tư Xoài Đôi, ĐT835-826, xã Long Trạch, huyện Cần Đước cùng rất nhiều chợ khác đã và đang hình thành, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.


Người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì phần đường dành cho họ bị lấn chiếm để buôn bán (ảnh chụp tại đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.Tân An)Một du khách Việt kiều khi về nước than thở: "Đi trên đường rất sợ xảy ra tai nạn giao thông vì tầm nhìn bị hạn chế, không quan sát được các biển báo hiệu do biển quảng cáo và cây cối che khuất. Ngoài ra, người dân chạy xe rất ẩu, không sử dụng tín hiệu khi rẽ trái, rẽ phải, các hộ dân sống ven đường nhiều khi tự ý băng qua đường mà không quan sát,...".

Trên tuyến QLN2 qua địa bàn các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Thạnh, dọc 2 bên đường, các nhà hàng, quán ăn mọc san sát. Trong số này, có nhiều cơ sở vi phạm cất nhà, lên nền không phép, tự ý đấu nối với đường chính, đặc biệt là tình trạng san lấp nền cao hơn mặt lộ, gây đọng nước, làm mặt đường mau chóng xuống cấp và hư hỏng nặng trong mùa mưa.

Trên địa bàn TP.Tân An, một số tuyến đường nội ô do thành phố quản lý xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để xây cất, đặt biển quảng cáo che khuất tầm nhìn, thậm chí đập phá lề đường dành cho người đi bộ để phục vụ nhu cầu của các hộ dân ven đường làm nham nhở đường phố, gây mất vẻ mỹ quan đô thị. Chợ tự phát khu vực vòng xoay Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh trên đường Đỗ Trình Thoại, thuộc xã Hướng Thọ Phú; chợ tự phát trên đường Châu Thị Kim, khu vực phường 7; chợ tự phát cống Rạch Chanh, QL62 thuộc xã Lợi Bình Nhơn;... vẫn chưa dẹp được. Gần đây, khu vực cuối đường Nguyễn Đình Chiểu, đầu ĐT827, phường 3 xuất hiện một số người buôn bán lấn chiếm vỉa hè.


Đặt biển quảng cáo lấn chiếm lòng đường ĐT 832 thuộc địa bàn xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức

Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt

Ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết thêm: "Đối với chợ tự phát, trước mắt, Sở Giao thông Vận tải phối hợp các địa phương và ngành liên quan sẽ làm thí điểm tại một vài chợ, nếu thành công tiếp tục nhân rộng. Hiện tại, đối với chợ Bắc Đông, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đang vận động các hộ buôn bán chấp hành và cho thời gian để các hộ tự sắp xếp. Nếu vẫn cố tình không chấp hành sẽ cho thí điểm lắp tấm tole, rào chắn bảo vệ hành lang an toàn đường bộ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực chân cầu Bắc Đông trên QL62".

Ngoài ra, phải quy rõ trách nhiệm, địa phương, khu vực nào để xảy ra tình trạng bức xúc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc. Như vậy, vai trò của chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng địa phương trong việc giải tỏa chợ tự phát hết sức quan trọng; ngay từ khi chợ hình thành, cần có giải pháp phù hợp, chuẩn bị tìm vị trí để xây dựng và quản lý chợ mới. Không để xảy ra tình trạng "chuyện đã rồi" và "cha chung không ai khóc", đổ trách nhiệm qua lại. 


Buôn bán thịt cầy sống tại khu vực ngã ba Thủ Thừa, ĐT 834, thuộc địa bàn xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An vừa cản trở giao thông, vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On: "Một trong những biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ về lâu dài là giao trách nhiệm cho cán bộ địa chính và UBND cấp xã lên danh sách diện tích đất những hộ dân, tổ chức có đất cặp các tuyến đường trên địa bàn xã để cơ quan chức năng có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp, làm rõ đất nào là của dân, tổ chức, doanh nghiệp, phần đất nào đã được đền bù giải tỏa là đất của hành lang an toàn đường bộ do Nhà nước quản lý, khai thác, phục vụ nhu cầu giao thông. Thực hiện theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ".

Theo ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, Nhà nước cần giao việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ cho riêng một cơ quan chịu trách nhiệm chính, có thể là cơ quan Thanh tra Giao thông Vận tải hoặc một cơ quan nào đó. Được biết, ngày 22/8/2016, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Thanh tra Giao thông Vận tải Long An xây dựng phương án lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Hiện phương án đang được xem xét, trong đó có nhiều giải pháp để giải quyết căn cơ việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

Song song đó, các cơ quan truyền thông và cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức không chỉ đối với hộ kinh doanh, buôn bán ven đường mà của cả người tham gia giao thông để họ tự giác hình thành thói quen không mua bán thực phẩm tại vỉa hè, quán nước ven đường vì không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; mặt khác, việc người đi đường dừng xe mua - bán trên đường rất dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

Bán hàng rong, bán hàng hóa nhỏ, lẻ trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.

Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.

Chiếm dụng dải phân cách trái phép.

Họp chợ, mua bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị.

Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn ngoài đường đô thị.

Tự ý đào đất, san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc 2 bên đường dùng để bảo trì đường bộ.

Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết
  • Đối diện khu công nghiệp Cầu Tràm cũng có một chợ, mỗi lần về nhà tôi phải chạy lấn sang làn đường ngược lại, đề nghị chấn chỉnh lại khu vực này.

    Nguyễn Chí Thảo - Cách đây 8 năm