Tiếng Việt | English

18/01/2018 - 15:45

Giao dịch thương mại điện tử - Cẩn trọng với hàng giả, hàng nhái

Càng phát triển mạnh, thương mại điện tử (TMĐT) càng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nguy cơ người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái cũng không ít.

Cần trọng với hàng giả, hàng nhái

Theo các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, hàng giả, hàng nhái được giới thiệu, giao dịch trên các sàn TMĐT, các website mua, bán trực tuyến ngày càng nhiều. Bởi, hiện nay, số người sử dụng mạng xã hội rất nhiều nên được khai thác làm kênh bán hàng.

Chị Nguyễn Minh Hương, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi truy cập mạng xã hội thấy thông tin rao bán hàng hóa dày đặc nên có cảm giác như “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” qua mạng. Tôi từng mua hàng qua mạng xã hội và có lần mua phải hàng giả, hàng nhái”.

Mỹ phẩm được bán qua mạng, người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả

Mỹ phẩm được bán qua mạng, người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả

Hàng hóa giao dịch qua mạng hiện nay có nhiều sản phẩm: Quần áo trẻ em, trang phục công sở, đồng hồ, túi xách, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang sức các loại,... Những mặt hàng này được người bán khẳng định với nhiều lời “có cánh”: “Do công ty làm ra dành xuất khẩu nhưng thừa số lượng nên xả hàng”, “hàng hiệu xách tay bằng máy bay”,... Hầu hết hàng mẫu giới thiệu qua mạng xã hội đều có tên hãng sản xuất, tem và hình ảnh, màu sắc bắt mắt.

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có thể được xem là mặt hàng bán chạy hàng đầu trên mạng xã hội. Cuối năm 2017, các cơ quan chức năng TP.Hà Nội phát hiện và bắt giữ lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trị giá 11 tỉ đồng, trong đó, nhiều sản phẩm ghi nhãn xuất xứ từ nước ngoài, được bán theo hình thức TMĐT. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện website của công ty này chưa được đăng ký tên miền kinh doanh. Điều đáng nói, hầu hết sản phẩm này được nhiều phụ nữ tin dùng. Sau sự việc, không ít người tiêu dùng vỡ lẽ.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện và nghi vấn một doanh nghiệp có địa chỉ tại huyện Đức Hòa có hành vi sản xuất trà thảo dược giảm cân - tan mỡ “mập mờ” chất lượng. Sản phẩm này cũng được bán qua các trang mạng xã hội. Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Long An cho biết: Doanh nghiệp này hiện có cơ sở vật chất không đạt tiêu chuẩn và nguồn nguyên liệu không được công bố rõ ràng.

Một số loại son; nước hoa nhái các thương hiệu nổi tiếng: Chanel, Versace, Louis;... được rao bán với giá vài trăm ngàn đồng cũng tràn lan. Chị Nguyễn Thị Nhung, ngụ phường 6, TP.Tân An, cho biết: Qua lời giới thiệu của bạn, tôi mua 1 lọ nước hoa hiệu Chanel nhỏ, giá 300.000 đồng. Khi sử dụng, mùi hương không giống loại nước hoa cùng nhãn hiệu mua tại siêu thị. Lúc này, tôi mới biết mình mua nhầm hàng giả.

Cần tăng cường kiểm tra, quản lý

Theo báo cáo chỉ số TMĐT năm 2017 của Bộ Công Thương, Long An được xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2016. Qua khảo sát của Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, việc ứng dụng TMĐT, tham gia Sàn giao dịch TMĐT mang lại hiệu quả cao, nhất là quảng bá hình ảnh và ký kết hợp đồng, thông qua việc trao đổi và đặt hàng từ email.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, người tiêu dùng bị thiệt hại lớn khi rơi vào “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi mua bán trực tuyến. Bởi, người tiêu dùng không thể phân biệt: Trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép; loại hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hàng giả, hàng nhái; hình ảnh và chất lượng thật;... Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quốc gia (Ban Chỉ đạo 389/QG) từng cảnh báo: “Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn ở nước ngoài, đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau. Hàng giả chủ yếu mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp”.

Để tạo hành lang pháp lý cho TMĐT phát triển, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 về TMĐT; Bộ Công Thương có Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về việc quản lý website TMĐT và Thông tư số 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động. Đặc biệt, căn cứ theo quy định tại Điều 83, Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT, cá nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng TMĐT, ứng dụng thiết bị di động trong việc buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt 40-80 triệu đồng nếu bị phát hiện vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chính đáng, tạo nền tảng cho TMĐT phát triển, các cơ quan chức năng cần phối hợp trong việc kiểm tra, quản lý các cá nhân kinh doanh theo hình thức TMĐT. Việc làm này góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng nhái tràn lan, gây mất lòng tin của người tiêu dùng. Bởi, khi người tiêu dùng thiếu tin tưởng việc mua bán trên mạng sẽ là thách thức lớn khiến TMĐT bị đẩy lùi./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết