Tiếng Việt | English

03/07/2015 - 05:40

Giáo dục ĐBSCL cần cuộc đại phẫu

 Những ngày này, cùng với cả nước, thí sinh ĐBSCL tất bật bước vào kỳ thi THPT quốc gia với không ít kỳ vọng. Những năm trước, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL chỉ nhỉnh hơn vùng Đông Nam bộ một chút và thấp xa so với đồng bằng Bắc bộ (khoảng 90% so với hơn 99%).

Nhiều năm qua, ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng về giáo dục, với tỷ lệ học sinh, sinh viên tính trên số dân vẫn còn thấp hơn nhiều vùng khác, chỉ bằng 1/3 so với cả nước, thấp hơn cả vùng Tây nguyên. Cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng dạy và học chưa được nâng cao, trong khi ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây quốc gia, điều này làm không ít người tâm huyết với giáo dục ĐBSCL không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Cách nay 10 năm (tháng 8-2005), tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị phát triển giáo dục - đào tạo ĐBSCL. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực) đã chỉ ra những nguyên nhân yếu kém trong phát triển giáo dục - đào tạo ở ĐBSCL là: “Nhận thức và cách tổ chức thực hiện chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Từ năm 1999, Thủ tướng đã chỉ đạo tổng đầu tư cho giáo dục ĐBSCL phải ở mức 22% tổng đầu tư cho giáo dục cả nước (tương đương với tỷ lệ dân số), nhưng sau 5 năm thực hiện, chỉ ở mức 17,17%”. Và hiện nay, con số ấy tròm trèm 20%; chưa kể những yếu kém khác về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, và trên hết là tinh thần hiếu học của học sinh và phụ huynh ở vùng đất này chưa cao.

Nếu so sánh điều kiện tự nhiên, đường đến trường của học sinh miền Trung, đồng bằng Bắc bộ chắc gì đã dễ dàng hơn ở ĐBSCL, nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học ở ĐBSCL vẫn đứng đầu cả nước. Điều dễ dàng nhìn thấy nhất là giáo dục ĐBSCL chưa có nét nổi bật. Trong các cuộc tranh tài trên nhiều lĩnh vực của học sinh, sinh viên, rất ít thí sinh khu vực ĐBSCL được xếp hạng cao. Chưa kể, khi nhắc đến mỗi địa phương đều có một ngôi trường danh tiếng. Hà Nội có trường Chu Văn An, Amsterdam…; TPHCM có trường Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền…; Huế có Quốc học Huế; Bình Định có Quốc học Quy Nhơn; Nam Định có Trường Lê Hồng Phong; Thanh Hóa có Trường Lam Sơn… Trở thành học sinh của những ngôi trường danh tiếng này là điều mơ ước của không ít học sinh hiện nay.

Ngược dòng lịch sử, từ thời pháp thuộc, vùng đất Nam kỳ lục tỉnh khi xưa đã có Trường Collège de My Tho, sau đổi tên là Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, thành lập từ năm 1879 và là một trong những ngôi trường trung học phổ thông lâu đời nhất của Việt Nam. Sau đó, đến năm 1917, trường mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège Can Tho, sau là Trường Trung học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ. Nhiều nhà lãnh đạo, trí thức, chí sĩ danh tiếng, như: cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, GS-VS Trần Đại Nghĩa, nhà cách mạng Châu Văn Liêm, nhà nông học Lương Định Của, nhà văn Sơn Nam… đều đã học dưới mái trường này. Từ sau giải phóng đến nay, dù ngành giáo dục ĐBSCL đã nỗ lực rất lớn, nhưng vẫn chưa có ngôi trường nào có tên tuổi, “bằng chị bằng em” với các vùng miền khác.

Nhìn một cách đầy đủ, ĐBSCL vẫn là nơi qua nhiều giai đoạn lịch sử đã cung cấp nhiều hiền tài cho đất nước, mặc dù lưu dân đầu tiên đặt chân đến đây không giàu chữ nghĩa. Nơi đây vốn là vùng đất sinh ra nhiều danh nhân tài cao, học rộng từ buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi cung cấp một đội ngũ trí thức khá đông đảo với hàng trăm bậc trí giả, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, trong đó có nhiều tên tuổi được xếp vào bậc đầu đàn của đất nước và không ít người đã được thế giới biết đến.

Thế nhưng, dường như có một bức tranh tương phản trong giáo dục tại ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay. Là nơi đóng góp hàng đầu về xuất khẩu nông sản quốc gia, nhưng giáo dục ĐBSCL vẫn ì ạch theo sau các vùng miền. Chính điều tương phản này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Làm gì để ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng?

Phải thừa nhận rằng, ĐBSCL xuất phát điểm thấp, thiếu nguồn đầu tư lớn nên khó có thể tạo nên sự đột phá. Thế nhưng, đã đến lúc các tỉnh ĐBSCL cần có chiến lược đầu tư cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của địa phương mình với sự định hướng, hỗ trợ của Trung ương. ĐBSCL còn thiếu hẳn những chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào giáo dục. Tạo điều kiện để huy động nguồn lực từ bên ngoài cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là một việc làm cần thiết hiện nay của ĐBSCL. Ngoài ra, để học sinh an tâm đến trường phải có chính sách cho gia đình học sinh nghèo. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, những học sinh nghèo đã nghỉ học một lần là sẽ có nguy cơ bỏ học lần tiếp theo sau khi được vận động trở lại lớp. Theo TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, không thể chỉ tập trung đầu tư vào giáo dục mà phát triển giáo dục. Bởi giáo dục không thể phát triển một mình mà nó rất cần hệ thống chính sách ngoài giáo dục cùng phát triển. Vì vậy, khi giáo dục yếu kém không có nghĩa là chỉ tập trung phát triển giáo dục mà rất cần đầu tư đồng bộ về kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo, nâng cao nhận thức của người dân. Điều này đòi hỏi những chủ trương, chính sách cũng như sự đầu tư thỏa đáng từ Trung ương. Song song đó là sự quyết tâm của các tỉnh, thành ĐBSCL phải đặt giáo dục là ưu tiên hàng đầu!

Trần Minh Trường/SGGP Online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích