Tiếng Việt | English

19/09/2018 - 11:04

Giáo dục mầm non ngoài công lập - Những tín hiệu tích cực

Các nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (ĐLTT) trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng phát triển về quy mô, số lượng. Nhiều cơ sở trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp, giảm áp lực cho các trường mầm non, mẫu giáo công lập.

Lấy trẻ làm trung tâm

Thời gian gần đây, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ĐLTT ngày càng phát triển, nhất là tại các địa bàn có khu, cụm công nghiệp. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh hiện có 29 trường mầm non tư thục, 289 nhóm, lớp mẫu giáo ĐLTT. Các loại hình trường, lớp tư thục tiếp nhận chăm sóc, GD 15.922/62.239 trẻ (chiếm 25,58% tổng số trẻ ra lớp của tỉnh).

Nhằm bảo đảm chất lượng về chuyên môn cho các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tư thục, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDMN ngoài công lập và các nhóm giữ trẻ tư thục thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, GD trẻ, xây dựng trường học an toàn; phòng, chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ. Việc quản lý các cơ sở mầm non tư thục được các địa phương quan tâm thực hiện. Theo đó, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ quản lý trường công lập hỗ trợ chuyên môn đối với nhóm, lớp mẫu giáo ĐLTT trên cùng địa bàn.

Huyện Cần Đước hiện có 25 nhóm, lớp mầm non ĐLTT, tập trung tại các xã: Long Trạch, Long Cang và Long Định. Cũng như các trường mầm non công lập, các nhóm, lớp mầm non ĐLTT thực hiện chương trình GDMN của Bộ GD&ĐT; xây dựng kế hoạch chăm sóc, GD theo chủ đề, phù hợp độ tuổi của trẻ và điều kiện của nhóm, lớp.

Chủ nhóm, lớp Mầm non ĐLTT ĐôRêMon (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) - Nguyễn Phúc Anh Tú chia sẻ: “ĐôRêMon được thành lập gần 10 năm nay. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm, đồng thời, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn môi trường sinh hoạt, an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần”.

Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập, trên địa bàn huyện chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm hay trẻ bị bạo hành tại các nhóm, lớp. Chị Nguyễn Thị Diệu Anh (công nhân Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) cho biết: “Tôi thường xuyên làm tăng ca nên chọn gửi con tại nhóm, lớp mầm non tư thục để có thể linh động giờ đưa đón. Tôi thấy các giáo viên nhiệt tình, chăm sóc trẻ chu đáo; lớp học khang trang, sạch sẽ nên rất an tâm”.

Địa chỉ tin cậy của phụ huynh

Ngành GD tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình GDMN, góp phần vào việc nâng cao chất lượng GD của tỉnh. Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên đề “Kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết xung đột cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non”, có 215 đại biểu dự và “Bồi dưỡng trách nhiệm và đạo đức nhà giáo”, có 200 đại biểu dự.

Nhiều nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy trẻ và trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh

Nhiều nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy trẻ và trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh

Phó Trưởng phòng GDMN - GD tiểu học, Sở GD&ĐT - Đinh Thị Kim Nguyên nhận định: “Các nhóm, lớp mẫu giáo ĐLTT ngày càng ổn định và từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ. Nhiều nhóm, lớp được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động tích cực theo các lĩnh vực phát triển.
Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, GD trẻ ngày càng được cải thiện, giảm khoảng cách giữa cơ sở mầm non ngoài công lập với các trường mầm non công lập”.

Nhiều nhóm, lớp thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ và trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh. Cơ sở Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (ấp 4, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) hiện quản lý, chăm sóc 150 trẻ từ 1-5 tuổi. Các trẻ được chia 6 lớp theo độ tuổi. Mỗi lớp có 2 giáo viên giữ, dạy trẻ từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ hàng ngày. Đây là một trong những cơ sở GDMN trên địa bàn huyện Bến Lức có cơ sở vật chất khang trang, bảo đảm các điều kiện dạy và học theo quy định.

Chủ cơ sở Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên - Hồ Thị Kim Loan chia sẻ: “Bên cạnh các chương trình chăm sóc, GD chính khóa, chúng tôi chú trọng tổ chức các hoạt động lễ hội, vui chơi, ngoại khóa cho trẻ. Ngoài ra, chúng tôi duy trì 1 lớp học tình thương dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã (khoảng 10 trẻ) từ khi thành lập cho đến nay. Các trẻ này được học miễn phí cho đến khi đủ 5 tuổi”.

Nhóm, lớp Mầm non ĐLTT Hoa Hồng (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) được thành lập từ năm 2014, góp phần cùng địa phương trong việc tăng tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp ổn định. Cơ sở được nhiều phụ huynh tin tưởng bởi chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Chính vì thế, số lượng trẻ theo học tại đây tăng dần qua các năm học. Nếu như năm 2014, cơ sở có 80 trẻ theo học thì năm học 2018-2019, cơ sở quản lý, chăm sóc 200 trẻ từ 2-5 tuổi. 90% phụ huynh gửi trẻ ở đây là công nhân thường xuyên tăng ca. Vì vậy, cơ sở nhận giữ trẻ ngoài giờ giúp phụ huynh an tâm làm việc.

Cơ sở có 100% trẻ học bán trú hàng ngày. Với số lượng trẻ đông cùng tập trung ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt là môi trường, điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặc biệt chú trọng. Giáo viên phụ trách các lớp thường xuyên vệ sinh lớp học, khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, sàn nhà nhằm bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Đồng thời, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền đến phụ huynh biện pháp phòng, chống bệnh, bảo đảm sức khỏe cho trẻ.

Chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm cho trẻ

“Chúng tôi tiếp tục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, nhân viên nhằm bảo đảm cho trẻ phát triển tốt khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, GD tại trường, tạo niềm tin cho phụ huynh khi gửi con vào học” - cô Nguyễn Thị Kim Liên (giáo viên phụ trách chuyên môn Nhóm, lớp Mầm non ĐLTT Hoa Hồng) cho biết.

Việc phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non ĐLTT là hướng đi được ngành GD&ĐT khuyến khích mở rộng. Trên thực tế, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ĐLTT đáp ứng nhu cầu gửi trẻ rất lớn của người dân, thu hút trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường. Qua đó, góp phần vào việc tăng tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp ổn định, giảm áp lực quá tải ở các trường công lập./.

Từ ngày 21/8 đến 11/9/2018, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh có cuộc khảo sát trực tiếp UBND các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành và TP.Tân An, Trường THPT Hậu Nghĩa, Trường THPT Lê Quý Đôn; khảo sát bằng văn bản đối với UBND các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, thị xã Kiến Tường và giám sát trực tiếp Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn.

Việc khảo sát, giám sát nhằm đánh giá những ưu điểm, kết quả, ghi nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trên cơ sở đó, Ban Văn hóa Xã hội tổng hợp, báo cáo, đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có loại hình trường, lớp mầm non tư thục (trừ huyện Mộc Hóa); tập trung nhiều tại huyện Đức Hòa (13 trường và 75 nhóm, lớp), Bến Lức (2 trường, 65 nhóm, lớp), TP.Tân An (9 trường, 29 nhóm, lớp), Cần Giuộc (65 nhóm, lớp), Cần Đước (3 trường, 25 nhóm, lớp),...

Nhiều địa phương có cơ sở giáo dục mầm non tư thục được cấp phép hoạt động đạt 100%: Châu Thành, Thủ Thừa, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Hưng, Tân Thạnh,...

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết