Tiếng Việt | English

12/06/2016 - 09:34

Giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật: Trách nhiệm của toàn xã hội

Tuổi học trò- tuổi được xem là đẹp nhất của cuộc đời với những hồn nhiên, ngây thơ, những hoài bão ước mơ cho cuộc đời. Thế nhưng trước ngưỡng cửa cuộc sống, vẫn còn không ít trẻ em vì một vài nguyên nhân khác nhau đã tự vấy những vết mực đen trong lý lịch.

Những vụ việc như: Trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích hay hiếp dâm,… đâu đó vẫn xảy ra mà thủ phạm mới chỉ là những trẻ vị thành niên. Để giúp các em sớm trở lại hòa nhập với cuộc sống trở thành người công dân tốt, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.


Thiếu sự quản lý của gia đình, trẻ em rất dễ sa vào các trò chơi trên mạng và dễ dẫn tới vi phạm pháp luật.

Vì đâu trẻ em vi phạm pháp luật?

Tôi từng có nhiều dịp được tham dự các phiên tòa xét xử án hình sự mà không ít lần trong số các vụ án, trước vành móng ngựa, các bị cáo còn đang trong độ tuổi vị thành niên. Theo hồ sơ trong các phiên xét xử, có thể thấy hành vi phạm pháp ở trẻ em có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tập trung nhiều nhất do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của cha mẹ, các bậc cho mẹ còn quá nuông chiều con, một số em có hoàn cảnh khó khăn và nhận thức pháp luật của các em còn nhiều hạn chế, không lường trước được hành vi phạm tội của mình.

Tôi vẫn nhớ vụ án “Hiếp dâm trẻ em” xảy ra ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cách đây chưa lâu, 1 trong 2 bị cáo vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên. Bị cáo hôm đó - em N.T.P (17 tuổi), đã nghỉ học từ sớm, cuộc sống khó khăn nên chẳng mấy ai trong gia đình quan tâm đến em. Cũng vì vậy, P. tiếp xúc và chơi thân với nhiều đối tượng bất hảo lớn tuổi hơn mình. Trong một lần tụ tập cùng nhau cuối năm 2013, P. và một người bạn tổ chức uống rượu. Trong lúc cuộc vui đang ở cao trào thì cả 2 thấy em T.T.L.N đi ngang qua bèn gọi vào nhậu chung.

Sau cuộc nhậu, cả 3 đều say, nên bàn nhau thuê phòng trọ nghỉ. Không làm chủ được hành vi, cả P. và bạn mình lần lượt thay nhau giao cấu với em N. nhiều lần. Trước hành vi trên, P. bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An tuyên mức án 10 năm tù.

Hay như vụ việc mới xảy ra giữa năm 2015, bị cáo N.V.L (15 tuổi), ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa cũng phải chịu mức án 7 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Chỉ vì không kiềm chế được ham muốn, lại thiếu hiểu biết về pháp luật L, ép bạn mình uống rượu tới say để giở trò đồi bại. Rồi còn rất nhiều các vụ vi phạm pháp luật về các hành vi như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, sử dụng chất ma túy mà hung thủ còn trong độ tuổi vị thành niên.

Đằng sau mỗi bản án, có những gia đình với nỗi đau mất người thân, có gia đình ân hận vì không dành thời gian quan tâm đến các em, vô tình thành một nguyên nhân đẩy các em vướng vòng lao lý. Theo một cán bộ thẩm phán tòa án, những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em phạm tội bị xử lý hình sự tuy có giảm, song về tính chất, mức độ lại tăng. Dù ở mức độ nào thì những vụ án này đều khiến người xem bị ám ảnh, ở cái tuổi người ta vẫn gọi “ăn chưa biết no, lo chưa biết tới”, nhưng đã có những hành vi bạo lực, tính chất phạm tội nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai sau này.


Buông lỏng quản lý, một số em trong độ tuổi vị thành niên còn tổ chức tụ tập thành nhóm để đua xe trái phép

Giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật- trách nhiệm của toàn xã hội

Ngăn chặn tình trạng phạm tội ở trẻ vị thành niên và giáo dục trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập với cộng đồng trở thành công dân tốt không chỉ là trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Theo Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội – Phan Thị Nguyệt, để làm tốt công tác giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập với cộng đồng, trong những năm qua, Sở phối hợp với lực lượng Công an tỉnh tổ chức triển khai rộng khắp mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, trong đó tổ chức triển khai tại 5 đơn vị điểm gồm: Thị trấn Bến Lức, xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức); các thị trấn: Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa). Qua các buổi giao lưu, đối thoại, các em cùng ký cam kết không tái phạm; riêng gia đình, nhà trường đều cam kết sẽ giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em trở lại lớp hoặc học nghề để có việc làm ổn định khi đến tuổi trưởng thành; đồng thời, xây dựng, tạo thêm các sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu niên.

Trường giáo dưỡng số 5 (cũ), một trong những nơi giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, hướng các em trở thành người có ích

Tại thị trấn Bến Lức, một trong số các địa phương tổ chức điểm của mô hình, Trung tá Huỳnh Văn Tét- Trưởng Công an thị trấn Bến Lức cho biết, trước khi thực hiện mô hình với đặc thù địa phương phát triển công nghiệp, số lượng trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn thị trấn hàng năm khoảng 30 em.  Bắt tay vào thực hiện, địa phương tổ chức rà soát, nắm tình hình trẻ em vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn để tổ chức tọa đàm, giao lưu gặp gỡ với các em cùng gia đình.

Qua 5 năm thực hiện mô hình, lực lượng Công an thị trấn phối hợp với lực lượng dân phòng tổ chức tuần tra gần 500 cuộc, giải tán 95 nhóm tụ tập đêm khuya, lập hồ sơ giao cho gia đình nhận lãnh giáo dục 107 em. Đồng thời phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên giúp 3 em cai nghiện ma túy thành công. Trước kia, mỗi năm có trên dưới 30 trẻ em vi phạm pháp luật, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thị trấn không còn trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật.

Em N.Q.T - một trong những em từng vi phạm pháp luật khi mới 15 tuổi về hành vi trộm cắp tài sản, nay trở thành công nhân thợ máy có thu nhập ổn định cho biết: “Sau khi vi phạm pháp luật, được các chú Công an thị trấn, cảnh sát khu vực thường xuyên tới động viên, hỏi thăm, hướng cho em đi học nghề để có cuộc sống tốt cho tương lai. Từ đó, em đăng ký học nghề sửa máy và nay đã có công ăn việc làm ổn định với thu nhập hàng tháng trên 3 triệu đồng đủ nuôi sống bản thân và dành một phần tich lũy phụ giúp cha mẹ”.

Tại thị trấn Đức Hòa, theo anh Hồ Văn Kết- cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thị trấn khẳng định, bên cạnh lực lượng Công an thì các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học và gia đình cần tập trung vào cuộc, hướng các em đến với các hoạt động vui chơi lành mạnh thì tỷ lệ vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên sẽ không còn là nỗi lo chung của gia đình cũng như của xã hội.

Rõ ràng, hiệu quả xã hội từ mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, là hết sức rõ ràng, cần nhân rộng ra các địa phương trong thời gian tới. Có sự quan tâm, chăm sóc tốt của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, có một môi trường sống thân thiện, không có tệ nạn xã hội sẽ tạo điều kiện cho trẻ em an toàn trước những mầm mống, yếu tố “độc hại”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết