Tiếng Việt | English

05/09/2018 - 16:52

Giáo dục xưa và nay: Tiếp bước và đổi thay

Suốt tiến trình lịch sử của địa phương, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh Long An đóng vai trò quan trọng qua từng thời kỳ cách mạng. Trong giai đoạn đổi mới, GD&ĐT được xem là quốc sách hàng đầu, gắn với mục tiêu “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài” phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không gian thư viện mở ngoài trời thu hút học sinh, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Không gian thư viện mở ngoài trời thu hút học sinh, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Những “viên ngọc” sáng

Từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoạt động GD yêu nước và cách mạng trên địa bàn Chợ Lớn - Tân An (nay là tỉnh Long An) diễn ra sôi nổi. Có những nhà giáo, nhà khoa bảng và học sinh xứng đáng được tôn vinh và là niềm tự hào của quê hương Long An.

Một nhân vật không thể không nhắc đến là nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ông có hơn 3 năm sống tại Cần Giuộc. Chính nơi đây, cùng với việc dạy học và bốc thuốc, ông để lại cho đời những tác phẩm văn, thơ có giá trị. Đặc biệt, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành áng văn bất hủ, ngợi ca lòng yêu nước của nông dân. Cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông cũng là niềm tự hào của quê hương Long An. Ông là người con ưu tú của huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc huyện Châu Thành). Nguyễn Thông đậu cử nhân năm 22 tuổi và được bổ làm Huấn đạo ở An Giang, sau đó thăng hàm Hàn lâm viện Tu soạn, làm việc tại Nội các ở Huế. Năm 1859, khi thực dân Pháp tấn công Gia Định, ông xin về Gia Định chiến đấu. Tiếp đó, ông về quê tham gia cuộc khởi nghĩa do Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghị lãnh đạo. Sau đó, ông làm Đốc học Vĩnh Long rồi Tư nghiệp Quốc tử giám. Nguyễn Thông không chỉ đóng góp rất lớn trong công tác GD với các cương vị quản lý GD mà còn là nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý,... và có nhiều tác phẩm có giá trị.

Là nhà giáo trước khi trở thành một nhà cách mạng, Võ Văn Tần, quê ở quận Đức Hòa (nay là huyện Đức Hòa), cũng là một trong những “viên ngọc” sáng của quê hương Long An. Từ nhỏ, Võ Văn Tần được học chữ Hán và chữ quốc ngữ. Khi trưởng thành, ông mở trường dạy học và bốc thuốc tại quê nhà. Ông tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh, sau đó gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi trở thành đảng viên An Nam Cộng sản Đảng. Năm 1930, ông thành lập Chi bộ Đức Hòa - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn và giữ chức Bí thư Chi bộ; sau đó là Bí thư Quận ủy Đức Hòa, rồi được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn; Bí thư Tỉnh ủy Gia Định; được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy; sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1940, ông bị thực dân Pháp bắt và tháng 8/1941 bị xử bắn cùng Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai,...

Phát huy truyền thống yêu nước và hiếu học, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An tiếp tục xuất hiện những gương mặt mới,
tiêu biểu, viết tiếp những trang vàng của lịch sử GD Long An. Đặc biệt, sau lời kêu gọi “Diệt giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Bình dân học vụ mở rộng khắp xóm, ấp.

Lớp bình dân học vụ

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khẩn trương xúc tiến việc thanh toán nạn mù chữ và thi hành chính sách phát triển GD. Theo lời kêu gọi của Bác, phong trào Bình dân học vụ diễn ra khắp tại 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An. Cán bộ tuyên truyền từ cấp tỉnh đến quận, làng nỗ lực phối hợp đoàn thể vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào học đọc, học viết với phương châm “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ”. Phong trào chống nạn mù chữ lan rộng khắp các xóm, ấp. Ở đâu có người cần học thì ở đó có lớp học. Học viên đủ các lứa tuổi từ già đến trẻ, có những cụ già 60-70 tuổi vẫn đến lớp học chữ “Cụ Hồ”.

Ông Hồ Ngọc Lịch – người chứng kiến giáo dục thời xưa đánh giá cao sự phát triển của giáo dục Long An hiện nay

Ông Hồ Ngọc Lịch – người chứng kiến giáo dục thời xưa đánh giá cao sự phát triển của giáo dục Long An hiện nay

Ông Hồ Ngọc Lịch (82 tuổi), ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Ngày xưa, dân mình đa số mù chữ. Nhờ lớp bình dân học vụ mà người dân biết đọc, biết viết. Phong trào Bình dân học vụ tổ chức theo kiểu “vết dầu loang”. Các lớp học mở khắp nơi, người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Không có bút, phấn thì dùng than, vôi để viết; không có đèn thì đốt củi, đốt đuốc để học”.

Sau một thời gian phát động phong trào “Diệt giặc dốt” và đặc biệt nhờ hiệu quả của lớp bình dân học vụ mà hàng ngàn người biết đọc, biết viết, trong đó có người già và em nhỏ.

Bước tiến mới

Có được nền tảng vững chắc, đặc biệt tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước và hiếu học, đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh đạt những thành tựu đáng
tự hào.

Quy mô và mạng lưới trường lớp các ngành học, cấp học được sắp xếp, củng cố và phát triển hợp lý trên các địa bàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được nâng cao về chất lượng, cơ bản đạt chuẩn theo quy định về trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm. Toàn tỉnh có 297/669 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, đạt 44,39%. Cụ thể: Mầm non có 70/224 trường, tiểu học có 128/262 trường, THCS có 88/135 trường, THPT có 11/48 trường. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 191/192 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Bên cạnh Trường THPT Chuyên Long An, tỉnh có 2 trường đào tạo học sinh chất lượng cao: Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An) và THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa). Cùng với đó, các trường học cũng quan tâm chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi. Hàng năm, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham dự các cuộc thi cấp toàn quốc đều có giải.

Trẻ mầm non được quan tâm và học tập trong điều thuận lợi

Trẻ mầm non được quan tâm và học tập trong điều thuận lợi

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành có những bước tiến mới, trong đó, chú trọng đổi mới chương trình GD mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GD phổ thông. Với GD mầm non, hiện 100% cơ sở GD mầm non tổ chức thực hiện chương trình GD mầm non; tỷ lệ trẻ học bán trú, 2 buổi/ngày ngày càng tăng. GD phổ thông, ngành thực hiện mô hình trường học mới và áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới nhằm phát huy năng lực tự học, sáng tạo của học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp cho biết: “Năm học 2018-2019, ngành tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó là sự chuẩn bị tốt của toàn ngành cho năm học mới; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự hỗ trợ tích cực của các ngành, đoàn thể, nhân dân; đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, tôi tin rằng, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh tiếp tục phát triển với nhiều thắng lợi mới”./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích