Tiếng Việt | English

20/11/2016 - 08:36

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý

Giàu tâm huyết, mạnh kỹ năng, tinh thông nghiệp vụ

Truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam có tự ngàn xưa. Ôn lại truyền thống ngày nhà giáo nhằm kế tục, phát huy, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, chất lượng giáo dục thế hệ trẻ của những “kỹ sư tâm hồn”.

Nhà giáo Việt Nam gắn bó máu thịt với quần chúng lao động. Thiên chức của người thầy là truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và của nhân loại. Chính người thầy góp phần hun đúc nên tinh thần Việt Nam qua các thời đại, là cầu nối của quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc. Nhà giáo Việt Nam sống giữa nhân dân, sống cuộc sống của nhân dân.


Cô Trần Thanh Bình - giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Rỉ (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) luôn theo sát từng học sinh. Ảnh: Ngọc Thạch

Những người thầy chân chính trong lịch sử bao giờ cũng là nhà yêu nước, hoạt động dạy học gắn liền với hoạt động cách mạng. Dưới chế độ phong kiến, nhà giáo không tự ràng buộc mình trong quan niệm “trung quân ái quốc”, họ đứng về phía nhân dân, hành động “trung với nước, hiếu với dân”, từ chối hợp tác với triều đình như Võ Trường Toản; yêu cầu triều đình trừng phạt gian thần để yên nước, yên dân như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm; dấy binh trừng trị vua hoang dâm, tàn bạo như Lương Đức Bằng và khởi nghĩa chống lại triều đình thối nát như Cao Bá Quát;...

Lãnh tụ của cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cuộc đời hoạt động yêu nước của mình bằng nghề dạy học với tên gọi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Trong những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, có rất nhiều đồng chí từng là thầy giáo như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,... Tiêu biểu trong 6 đồng chí tham gia khởi nghĩa ở Nam kỳ bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử tử ở Hóc Môn, trong đó có 4 thầy giáo: Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến.

Đối với tỉnh Long An, nền giáo dục cách mạng trong thời chiến ghi đậm nét nhiều tấm gương tiêu biểu của nhà giáo. Trước hết, phải kể đến thầy giáo Trần Văn Giàu dạy học tại Trường Tư thục Huỳnh Công Phát, đồng thời, tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Thầy giáo Hồng Son Đỏ là người có nhiều công lao đối với ngành giáo dục tại địa phương, trực tiếp đứng lớp đào tạo Trung đội nữ giáo viên Kiến Tường - khóa học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng khu vực Kiến Tường thời kháng chiến chống Mỹ.

Ở vùng địch tạm chiếm, phong trào đấu tranh yêu nước của giáo chức và học sinh, sinh viên tiếp tục phát triển mạnh. Điển hình là tinh thần dũng cảm của nữ sinh Mai Thị Non giấu mìn trong cặp sách, đi thẳng vào dinh Quận trưởng Bến Lức để trừng trị bọn ác ôn. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Thái Bình không khuất phục trước kẻ thù và hy sinh oanh liệt tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là những tấm gương yêu nước, kiên trung của thầy, cô giáo ở Đức Hòa - Hậu Nghĩa. Trong đó, có thầy Trương Tấn Sang dạy học ở Trường Tư thục Tri Tân, được phân công phụ trách đội võ trang mật, làm nhiệm vụ diệt ác ôn trong huyện, rải truyền đơn, đấu tranh chống văn hóa nô dịch của địch.

Chiến tranh diễn ra ác liệt, các nhà giáo tay cầm súng, tay cầm phấn, không quản ngại gian khổ, sẵn sàng chiến đấu và có người anh dũng hy sinh trong niềm thương tiếc và khâm phục của mọi người như: Tấm gương hy sinh anh dũng của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin; gương hy sinh của thầy Ngô Văn Nghiễm - cán bộ từ miền Bắc vào, để lại niềm xúc động cho nhiều đồng nghiệp, học trò.

Sau ngày thống nhất đất nước, đội ngũ giáo viên luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tìm ra những phương thức độc đáo để thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thế hệ trẻ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Từ năm 1990 đến nay, tỉnh có 42 nhà giáo được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa muôn sắc của ngành giáo dục tỉnh nhà. Nhiều thầy, cô giáo có mặt trong hàng ngũ nhà giáo kháng chiến, dù nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác ở các hội, đoàn thể hoặc những hoạt động phong trào của ngành, địa phương như: Thầy Phạm Văn Mão, thầy Ngô Hải Phong, thầy Khổng Thanh Tòng, thầy Lê Văn Đáng, thầy Lê Trừ, thầy Ngô Đăng Thích, thầy Nguyễn Văn Tấn, cô Lê Thị Yến,..., tiếp tục đóng góp cho ngành GD&ĐT tỉnh nhà những kinh nghiệm quý báu và nhiều ý kiến hữu ích.

Với truyền thống vẻ vang được xây dựng và bồi đắp qua nhiều thế hệ, ngành GD&ĐT Long An đã và đang triển khai thực hiện Chương trình số 37 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 là xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần đưa Long An phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, toàn ngành phấn đấu thực hiện đạt 2 chỉ tiêu quan trọng là có trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới và trên 80% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT hoặc tương đương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2016-2020).

Với mục tiêu trên, đòi hỏi chất lượng ngành GD&ĐT Long An phải không ngừng nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH tỉnh nhà. Ngành GD&ĐT rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể, của lãnh đạo các địa phương và toàn xã hội để tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi giúp ngành GD&ĐT hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay.

Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, toàn ngành tiếp tục phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, quyết tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giàu về tâm huyết, mạnh về kỹ năng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo./.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thanh Tiệp

Chia sẻ bài viết