Tiếng Việt | English

09/10/2017 - 17:26

Gìn giữ nét đẹp trầu, cau

Khác với cảnh mua bán tấp nập ở các chợ, nghề bán trầu, cau bây giờ lặng lẽ, đìu hiu bên góc chợ. Nhưng, người bán vẫn theo nghề như một cái duyên truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ vừa mưu sinh, vừa giữ lại nét văn hóa trầu, cau truyền thống...giữa lòng TP.Tân An, tỉnh Long An.

Bà Nguyễn Thị Trang têm trầu cho khách

Cái duyên truyền đời

Thời con gái, không ai nghĩ rằng, khi lớn lên lại gắn bó cuộc đời với nghề bán cau, trầu ở chợ. Nhưng, như một cái duyên, công việc bán trầu, cau lại gắn bó với nhiều người từ thuở tóc còn xanh đến khi điểm bạc và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bà Nguyễn Thị Trang, 52 tuổi, ngụ phường 3, TP.Tân An là thế hệ thứ 3 nối nghề bán cau, trầu ở chợ Tân An (điểm phường 1). “Đầu tiên là bà ngoại, kế đến là mẹ và hiện tại là tôi vẫn tiếp tục giữ nghề này. Tuy không mang lại thu nhập cao như trước nhưng giữ được nghề là niềm vui của gia đình tôi. Ngày mẹ tuổi cao sức yếu, trong nhà có 10 anh, chị, em đều thử nghề bán cau, trầu nhưng chỉ mình tôi là duy trì được. Có lẽ, tôi có duyên với miếng cau, lá trầu nên gắn bó nhiều năm qua”, bà Trang chia sẻ.

Cũng như bà Trang, bà Phan Thị Đặng, ngụ phường 2, TP.Tân An cũng nối tiếp bà nội, mẹ chồng bán cau, trầu ở chợ Tân An. Tính đến nay, bà Đặng trải qua 40 năm têm trầu, chẻ cau bán cho khách.

Bà Đặng kể: “Quê tôi ở huyện Tân Trụ, lấy chồng về TP.Tân An. Về nhà chồng, bà nội và mẹ đều sống bằng nghề này nên tôi tiếp nối, học cách têm trầu và theo ra chợ bán từ năm 1977. Hồi đó, chưa có sạp như bây giờ nên bà nội bày buồng cau, những xấp trầu ngồi bán. Tôi nhớ, bà không biết chữ nên cứ dùng vôi gạch lên cột và đếm, tính tiền cho khách. Vậy mà, người mua rất nhiều, một ngày, lượng trầu cau bán ra  gần 100kg” - kể cả bỏ mối cho các nơi.

Còn bây giờ, người mua giảm nhiều. Những sạp trầu, cau đìu hiu bên góc chợ. Thỉnh thoảng, vài người ghé lại mua vài lá trầu, miếng cau về cúng hoặc làm thuốc. Còn những người mua đủ bộ: Cau, trầu, vôi, thuốc rê chỉ đếm trên đầu ngón tay vì ngày nay, người ăn trầu không còn nhiều. Có chăng chỉ là vài khách quen từ nhiều năm trước mà thôi!

“Như chú Hai ở huyện Thủ Thừa, dì Ba nhà gần cầu Dây cũ đều là “mối”. Cứ vài ngày, ông bà lại đến mua mấy chục quả cau, đôi ký trầu để dành ăn. Khách hàng thưa thớt nên mỗi ngày bán không được nhiều. Nhưng, gắn bó nhiều năm đã thân thuộc nên tôi  không nỡ bỏ nghề”, bà Đặng bộc bạch.

Hiện tai, một ký trầu có giá 70.000 đồng, còn cau thì bán 30.000 đồng/ 14 trái. Vì lượng mua ít nên hàng ngày, người bán kiếm hơn 100.000 đồng. Chỉ từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, khi cưới, hỏi “vào mùa”, nghề bán cau, trầu cũng “khởi sắc” hơn.

Theo bà Trang, dù sống ở thành phố nhưng đến mùa cưới, hỏi, nhiều gia đình vẫn coi trọng mâm trầu, cau và đặt mua. Một mâm trầu, cau như vậy có giá từ 200.000-300.000 đồng nên vào thời điểm này, người bán có thu nhập cao hơn.

Giữ nét xưa

Nhiều người thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống. Hình ảnh miếng trầu thường xuất hiện trong những lễ cúng dân gian, cưới, hỏi. Và, nếu những người bán không còn thì trong ngày cưới, mâm trầu, cau cũng dần “vắng bóng”. Vì thế, ngoài kiếm đồng vào, đồng ra…trang trải cuộc sống, giữ nghề bán cau, trầu là họ đang giữ lại nét xưa giữa lòng thành phố.

Giữ nghề bán trầu, cau, bà Phan Thị Đặng giữ lại nét xưa

Mâm cau, trầu trong ngày cưới, hỏi được xem là biểu tượng của tình yêu, nghĩa vợ chồng. Những người bán vì thế phải hiểu quan niệm này để têm và xây mâm trầu, cau đúng ý nghĩa. “Khi làm mâm trầu, cau cho lễ cưới, tôi thường chọn 105 trái cau đẹp, đều nhau và càng già càng tốt. Còn lượng trầu thường là 800gram hoặc 1kg chứ không được chọn số lẻ. Tất cả những con số này tượng trưng cho ý nghĩa trăm năm hạnh phúc. Vì vậy, sau lễ cưới vài năm, có người quay lại cảm ơn những người bán vì nhờ xây mâm trầu, cau đầy đặn, đúng nghĩa nên từ ngày sánh duyên, con của họ sống hạnh phúc. Chỉ cần những lời như vậy cũng vui dù công việc này không mang lại thu nhập cao như nhiều việc khác”, bà Trang cho biết.

Cứ tưởng, nghề bán trầu, cau đơn giản nhưng muốn giữ đúng ý nghĩa của truyền thống văn hóa, người bán phải am hiểu như thế! Ngoài ra, khách hàng có hài lòng, có chọn mua hay không còn dựa vào đôi tay khéo léo khi têm trầu, chẻ cau của người bán.

Trong các lễ cúng dân gian, lá trầu thường têm đơn giản và quấn cùng miếng cau. Cách têm này phổ biến nên dễ làm và thường được người miền Nam ưa chuộng. Còn đối với người miền Trung, miền Bắc, cách têm trầu cầu kỳ hơn.

Bà Đặng bảo: “Tôi bán ở đây mấy chục năm, cũng có người miền Bắc, miền Trung đến đặt mâm trầu, cau cho lễ cưới và đa số đều yêu cầu têm trầu hình cánh phượng. Ngày trước có học nên tôi biết, têm đúng theo ý khách hàng và được tin tưởng. Vì vậy, ngoài khách ở TP.Tân An, khi gia đình có lễ cưới, hỏi, một số khách hàng ở huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ,... cũng gọi điện thoại đặt làm mâm trầu, cau”. Cách têm trầu vì thế còn thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế và tùy hoàn cảnh, nó mang dáng vẻ khác nhau. Đó còn là sự duyên dáng, khéo léo của người phụ nữ Việt.

Một ngày còn làm nghề, còn tỉ mỉ têm từng lá trầu, chẻ từng trái cau là người bán còn giữ lại nét xưa. 4 sạp bán trầu, cau ở chợ Tân An ngày nay tuy vắng khách hơn xưa nhưng ở đó, nét đẹp trong văn hóa trầu, cau còn gìn giữ./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết