Tiếng Việt | English

13/04/2019 - 10:55

Giỗ Tổ Hùng Vương - mùng 10 tháng 3: Văn hóa cội nguồn

6 năm trôi qua kể từ khi diễn ra Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (06/12/2012) vào ngày 12/4/2013 ở tỉnh Phú Thọ, không ít người vẫn còn nguyên cảm giác tự hào, nhất là hình ảnh ấn tượng khi bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trong trang phục áo dài Việt Nam mở đầu bài phát biểu bằng lời Việt:“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Văn hóa hướng về nguồn cội

Có lẽ mỗi chúng ta từng nghe qua lời nhắn nhủ tâm tình ấy hay ít nhiều rung cảm trước tâm hồn thấm đẫm tình nguồn cội của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:

Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

(Nhớ Bắc, 1940)

Và có lẽ không ở đâu trên trái đất, hai chữ “đồng bào” được dùng để gọi nhân dân mình, dân tộc mình một cách yêu thương và thiêng liêng như ở Việt Nam. Từ xưa, ngày Giỗ Tổ là ngày Quốc lễ. Hàng năm, qua các triều đại, triều đình luôn cử đại diện đến làm chủ tế ở Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, rừng Hy Cương, thôn Cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Chỉ riêng ở Vĩnh Phú trước đây (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), nhân dân đã dành 700 nơi thờ cúng các vua Hùng và dòng dõi, cùng tướng lĩnh ở 200 trong số 350 làng xã của tỉnh. Đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần ấy được Người nâng lên tầm vóc mới.

Chỉ hơn 5 tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 CNV/CC cho công chức cả nước được nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng mười tháng ba âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tổ tiên. Ngay khi kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, tinh thần ấy được Người đúc kết trong câu nói bất hủ tại nơi phát tích của cội nguồn dân nước Việt vào ngày 19/9/1954 khi Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị tiến về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đã củng cố, hun đúc và động viên, phát huy cao độ tinh thần yêu nước của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng, góp phần lớn lao vào thắng lợi chung.

Từ năm 2005, khi Nhà nước công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ, tinh thần hướng về nguồn cội càng được bộc lộ mạnh mẽ dưới nhiều hình thức khác nhau, dù các thế hệ con Lạc, cháu Hồng trên mọi miền đất nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, không phải ai cũng có điều kiện hành hương về nơi đất Tổ để được ướm dấu chân mình lên dấu chân xưa của tiền nhân, thắp nén hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn các vua Hùng nhưng tất cả đều có một điểm chung, hướng về cội nguồn trong ngày thiêng liêng này.

Từ năm 2018, “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ I, năm 2018” được tổ chức thành công tại 4 nước châu Âu: Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Hungary, Đức và năm 2019, sẽ được tổ chức tại 5 nước: Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan. Riêng tại Lào, lần đầu tiên Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Vientiane với đầy đủ nghi lễ trang trọng.

Lịch sử dân tộc ta là lịch sử của ngàn năm dựng nước và mở cõi. Dải đất hình chữ S ngày nay chính là kết quả của quá trình mở cõi nhưng tâm hồn, tình cảm của người Việt tự ngàn đời luôn hướng về gốc gác, giống nòi mà điều ấy tựa hồ như một lẽ tự nhiên đang chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt. Lịch sử chứng minh thế nước có lúc thịnh - suy, vận mệnh quốc gia, dân tộc có lúc lâm nguy, nhưng văn hóa hướng về cội nguồn - quốc gia - dân tộc luôn trường tồn. Đó chính là sức mạnh của người Việt, sức mạnh từ văn hóa.

Tôn vinh và phát huy giá trị việt

Dưới góc nhìn văn hóa, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội trong lòng mỗi con người Việt Nam. Nếu như lễ hội truyền thống với các đặc trưng của nó làm nên sức mạnh, sức sống mà không có loại hình sinh hoạt văn hóa nào so sánh được thì Giỗ Tổ Hùng Vương chính là lễ hội tiêu biểu nhất, biểu hiện nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng cao nhất mang tính quốc gia, dân tộc - ngọn nguồn của sức mạnh để chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm nhằm bảo vệ toàn vẹn giang sơn gấm vóc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại làm cho ý nghĩa của ngày Quốc giỗ nước ta hàng năm ngày càng lan tỏa. Không ít người biết rằng, Giỗ Tổ Hùng Vương là tín ngưỡng của một dân tộc lần đầu tiên được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, chúng ta càng thêm tự hào về giá trị Việt Nam, đó là động lực lớn lao cho sự phát triển vươn lên, như phát biểu của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang tại buổi lễ năm ấy.

Nước ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận nhưng không có di sản nào tác động đến xã hội và đến nhận thức cộng đồng mạnh mẽ và sâu sắc như Giỗ Tổ Hùng Vương. Trên đà phát triển của đất nước, tinh thần hướng về cội nguồn ở mọi miền được khơi dậy mạnh mẽ bằng nhiều biểu hiện cụ thể, dù có hay không một dịp về nơi đất Tổ để đốt một nén tâm hương tưởng nhớ tiền nhân.

Nhưng đã có lúc người ta hướng về ngày Quốc giỗ bằng những “kỷ lục”, những biểu hiện nặng tính hình thức, tốn kém, lãng phí không cần thiết, bị dư luận cho là nhằm mục đích “PR” làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của sự kiện thiêng liêng này. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Chương trình hành động Quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương giai đoạn 2013-2015 đến 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay vào dịp cả nước kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như một gạch nối của quá khứ với hiện tại càng làm cho ý nghĩa biểu tượng “đại đoàn kết toàn dân tộc” của ngày thiêng liêng này càng thêm lung linh, rực rỡ.

Tự hào là công dân của một quốc gia - dân tộc có ngày Quốc giỗ với những giá trị nhân văn sâu sắc về nguồn cội của mình, chúng ta hãy ứng xử đúng mực với không gian tâm linh vốn có của vùng Việt Trì, những địa danh, những di sản văn hóa có liên quan còn được bảo lưu trong dân gian; hãy cộng cảm và cùng thăng hoa với mỗi người trên mọi miền đất nước cùng hướng về đất Tổ, trong điều kiện của mình, từng ngày, từng giờ, bằng những hành động cụ thể và thiết thực, hãy thể hiện tinh thần nêu gương, lao động, học tập và vươn lên để xứng đáng với tổ tiên.

Phải chăng đó chính là hướng về cội nguồn có văn hóa, văn minh, là tôn vinh và phát huy giá trị Việt để gạch nối ấy của dân tộc được nối dài đến tương lai phát triển phồn vinh và trường tồn./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết