Tiếng Việt | English

28/08/2017 - 10:25

Giữ gìn, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

72 năm trôi qua từ ngày được “khai sinh” (28/8/1945 - 28/8/2017), ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Long An có nhiều đóng góp trong phát triển KT-XH và các nhiệm vụ chính trị khác của tỉnh. Qua nhiều hình thức, hoạt động tuyên truyền và thực hiện các phong trào thi đua, ngành VH-TT&DL góp sức gìn giữ, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới,...

"Sức mạnh mềm" trong hoạt động tuyên truyền 

Cùng một số ngành liên quan khác trong tỉnh, ngành VH-TT&DL cũng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân.

Tiết mục xiếc phục vụ người dân. Ảnh P.N

“Dù chỉ bằng lời ca, tiếng hát, hình ảnh hay thông tin cổ động nhưng tất cả đều là “sức mạnh mềm” trong hoạt động tuyên truyền. Bởi, phía sau các hoạt động ấy là những bức thông điệp, bài học rút ra nhằm tác động vào ý thức người dân” - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương, 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn trên 35 cuộc văn nghệ quần chúng và thông tin lưu động phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, thu hút gần 60.000 lượt người xem. Đồng thời, phát hành các bài tuyên truyền cho trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thị xã, thành phố về chủ đề: Mừng Đảng, mừng Xuân; an toàn giao thông; an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh, trật tự;...

Đặc biệt, thời gian qua, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An diễn ra tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước vẫn duy trì và thu hút nhiều người xem.  Và, điểm nhấn trong hoạt động thông tin, tuyên truyền của ngành trong năm 2017 là Triển lãm ảnh “Ký sự ngoại giao Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệm kỳ 2011-2016” với hơn 250 tác phẩm ảnh và quyển sách “Vị thế Việt Nam” của nhà báo Giản Thanh Sơn thu hút hàng ngàn lượt người đến xem. 

Có thể nói, phong trào nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng và tuyên truyền cổ động, triển lãm của ngành VH-TT&DL phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, nhất là việc tuyên truyền. Qua đó, khẳng định thế mạnh của ngành trong phong trào văn hóa, văn nghệ - một “sức mạnh mềm” tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần

Ông Trần Văn Dững, 55 tuổi, ngụ ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, bộc bạch: “Điện, đường, trường, trạm bây giờ được đầu tư xây dựng, ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, mỗi năm, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Long An cũng đến biểu diễn và chiếu phim lưu động phục vụ người dân khu vực biên giới. Mỗi lần như vậy, có hơn 300 người xem. Ở vùng nông thôn nên còn nhiều người thích nghe cải lương, xem phim như thế!”.

Vở cải lương “Tình hẹn mùa trái chín” do diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Cải lương  Long An biểu diễn, phục vụ khán giả vùng nông thôn là bức thông điệp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, phê phán lối sản xuất “ăn theo” của nông dân

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Thị Thủy, 6 tháng đầu năm 2017, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn 70 suất ở những khu vực vùng sâu, vùng xa và biên giới để phục vụ người xem. Đoàn Xiếc nhân dân Long An lưu diễn trong và ngoài tỉnh với 72 suất, tại 12 điểm.  Thư viện tỉnh cũng thực hiện mô hình Chuyến xe tri thức ở các huyện: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa đọc, hoạt động này mang tri thức, niềm vui đọc sách đến với trẻ em nơi đây.

Cùng những hoạt động văn hóa, văn nghệ, một số phong trào thi đua của ngành cũng góp phần gìn giữ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà cốt lõi là xây dựng gia đình, ấp, xã văn hóa. Từ phong trào này, có trên 1.000 cá nhân được biểu dương, khen thưởng trong các lĩnh vực vào năm 2016. Ngoài ra, tính đến nay, toàn tỉnh có 97,6% gia đình văn hóa và 111/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị, đạt 57,8%. Đó là những “hạt nhân” trong xây dựng đời sống văn hóa.

Ông Phạm Văn Nghĩa, ngụ ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Năm 1979, khi mới về đây lập nghiệp, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Nhưng nhờ bám đất nên bây giờ, cuộc sống khá hơn từ 9ha đất trồng lúa. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, tôi còn chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và cùng chung tay, góp sức ủng hộ địa phương thực hiện các công trình giao thông nông thôn nhằm góp phần xây dựng thành công xã văn hóa, xã nông thôn mới”.

Ngày càng có nhiều tiết mục được đầu tư công phu phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh P.N

Bà Nguyễn Thị Thủy đánh giá: “Qua thực hiện công tác tuyên truyền và các phong trào thi đua của ngành, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Diện mạo nông thôn cũng khởi sắc từ sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân. Ngoài ra, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dân tộc cơ bản được gìn giữ, phát huy tốt”.

Qua các hoạt động của ngành VH-TT&DL, nhất là hoạt động tuyên truyền, các phong trào thi đua của ngành góp phần xây dựng những con người thật sự văn hóa trong môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó, góp phần gìn giữ, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết