Tiếng Việt | English

20/06/2016 - 11:23

Giữ gìn quá khứ

Với nhiều người, một tờ báo cũ rích, giấy mực ố vàng theo năm tháng có lẽ không còn giá trị nhưng với ông Lê Kim ở phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An những trang báo ấy lại là tài sản vô giá mà ông luôn giữ gìn và trân quý.


Những trang báo cũ được ông Lê Kim đóng thành tập cẩn thận

Ông Lê Kim, 64 tuổi, vốn có thói quen sưu tầm sách, báo cũ từ lúc còn là cậu học sinh phổ thông. Theo ông, lúc còn đi học, ông đã ý thức việc giữ gìn tài liệu học tập. Việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt này lại giúp ông hình thành thói quen và trở nên yêu thích việc lưu giữ tài liệu, sách, báo cũ cho đến tận hôm nay.

Ông kể: “Lúc công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thủ Thừa, Ban Tuyên giáo huyện Bến Thủ, tôi đều định hướng anh em đồng nghiệp thói quen đọc và lưu giữ sách, báo, tài liệu. Lúc đó, tài liệu sưu tầm tôi để riêng một bên để làm công tác tuyên truyền. Một ngăn tôi lưu giữ các báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng và Tờ tin Long An. Tất cả những số báo này, tôi đều sắp theo thứ tự số phát hành. Đến khi công tác, tiếp cận với lĩnh vực báo chí mà tính đến nay đã hơn 40 năm, tôi vẫn giữ thói quen lưu giữ báo cũ. Với tôi, đây là niềm đam mê và niềm vui trong cuộc sống”.

Cũng vì thói quen, sở thích lưu giữ báo cũ mà trong kho sách, tài liệu của ông, số báo cũ được lưu giữ lại đến tận bây giờ không thể nào đếm xuể. Để dễ tìm và hạn chế hư hỏng theo thời gian, sau một năm sưu tầm, ông đem tất cả các tờ báo đóng thành tập theo từng thể loại. “Trong số những loại báo này, tôi đã gửi tặng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch 2 tập thông tin cổ động, gửi Hội Văn học Nghệ thuật Long An một số Báo Văn nghệ và gửi HĐND tỉnh những Bản tin HĐND mà tôi giữ lại từ trước đến giờ. Vừa rồi, tôi cũng gửi tòa soạn Báo Tuổi trẻ các tờ báo phát hành từ những ngày đầu đến bây giờ” - ông Lê Kim vừa soạn lại các tập báo, vừa nói.

Trong số báo cũ, có những tờ ông chưa biếu, chưa tặng mà vẫn giữ lại đến bây giờ như một tài sản vô giá. Đó là tờ báo Quyết tiến - cơ quan tranh đấu của nhân dân tỉnh Long An phát hành trước giải phóng. Đây cũng là tờ báo tiền thân của Báo Long An ngày nay. Màu giấy của tờ báo tuy ố vàng nhưng những nội dung tuyên truyền về cuộc đấu tranh của quân, dân Long An vẫn còn nguyên giá trị qua các bài: Quân dân Long An giành thắng lợi lớn; Phát huy thắng lợi, kiên quyết tiến lên giành những thắng lợi mới,...

Cất lại cẩn thận những tờ Quyết tiến, ông lại “khoe” tờ tin Long An, Báo Long An, Phụ bản Báo Long An,... phát hành sau những ngày đất nước hòa bình, thống nhất cho đến nay. Tất cả những tờ này được ông đóng thành tập cẩn thận mà khi lật từng trang báo, những thông tin, những sự kiện của một thời quá khứ vẫn sống động. Đó là những bài viết như: "Các giới đồng bào thị xã Tân An nhiệt liệt tán thành và thi hành theo mọi quy định của Nhà nước về việc mua bán sau khi thu đổi tiền cũ", "Đồng bào khu 7 (thị xã Tân An) thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và được chăm sóc các mặt", "Quê hương và mùa xuân thống nhất",... Với thế hệ hôm nay và mai sau, nếu một lần được đọc, xem lại những trang báo ấy sẽ hiểu hơn về mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc.

Tôi hỏi: “Có người nói rằng, một tờ báo chỉ tồn tại 24 giờ, qua ngày khác là đã cũ vì có báo mới với khá nhiều thông tin mới, hấp dẫn, vậy thì ông giữ lại làm gì những tờ báo ngày xưa?”. Trả lời câu hỏi của tôi một cách dứt khoát, ông nói: “Những tờ báo ấy không hề cũ mà nó vô cùng giá trị. Nó là tài liệu ghi lại những khoảnh khắc trong quá khứ, trong lịch sử mà nếu mất đi, mai này sẽ khó tìm”. Chính vì lẽ đó mà ông giữ lại tất cả những tờ báo Long An qua các thời kỳ, dù nó có hay không những bài viết của ông. “Giống như một người đàn bà đẻ con nên dù xấu hay đẹp, dở hoặc hay đều phải yêu thương chúng. Những tờ báo cũng vậy, nó là con đẻ tinh thần của mình nên phải nâng niu, gìn giữ. Dù có những bài báo không phải do chính mình viết nhưng của anh em đồng nghiệp làm ra thì mình cũng nên trân trọng như của chính mình” - ông Lê Kim nói tiếp.

Để minh chứng cho việc giữ lại báo cũ cũng như giữ lại thời khắc lịch sử là đúng, ông Lê Kim bắt đầu kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông kể: “Cách đây nhiều năm, tôi có cô bạn người Nhật tên Ono Mikio lặn lội sang đây tìm tôi chỉ để mượn tất cả những tờ báo phát hành 5 năm sau ngày giải phóng, tìm tài liệu cho luận án tiến sĩ của cô. Tôi cho cô mượn, cô bạn tôi tham khảo và tìm được nhiều tài liệu hoàn thành luận án với đề tài “Đình làng và người dân Khánh Hậu”. Cảm ơn tôi cung cấp tài liệu, cô đã gửi tặng tôi một máy cassette”.

Thế đấy! Có những điều tưởng chừng sẽ nhạt phai theo năm tháng nhưng những tờ báo cũ - một tài sản vô giá mà ông Lê Kim đang giữ gìn cẩn thận vẫn vẹn nguyên giá trị. Ông đang giữ lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những sự kiện về đời sống người dân Long An từ cuộc đấu tranh đến lúc hòa bình cũng như các chính sách, chế độ của Nhà nước từ trước giải phóng đến nay qua từng trang báo ngả màu thời gian./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết