Tiếng Việt | English

24/11/2017 - 05:22

Giữ gìn và phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được nhân dân và bao thế hệ học trò tiếp tục gìn giữ, phát huy bằng cái tâm hướng về thầy cô giáo. Hàng năm, hướng đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, người dân, các bậc phụ huynh và nhiều thế hệ học trò lại tổ chức nhiều hoạt động, những công trình, việc làm thiết thực để dâng tặng thầy cô giáo. Trong số những tập thể, đơn vị thể hiện tốt đẹp truyền thống ấy, có thể kể đến Hội Cựu học sinh (CHS) Tân Trụ và Châu Thành, tỉnh Long An.

Tri ân những tấm lòng luôn vì thế hệ trẻ

Hội CHS Tân Trụ (nay là Trường THCS thị trấn Tân Trụ) ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Nhân sự kiện có một nhóm bạn lớp nhứt (lớp 5 bây giờ) ở TP.HCM đăng Báo Tuổi Trẻ tìm người thầy sau 34 năm không có tin tức, sau buổi tiệc trùng phùng, 15 thành viên là bạn bè khi xưa có chung tâm nguyện trở về trường cũ tổ chức họp mặt CHS để thông qua đó, học trò các thế hệ có dịp gặp lại và tri ân thầy cô giáo, vậy là họ cùng nhau đóng góp kinh phí để tổ chức.

Hội Cựu học sinh Tân Trụ tổ chức họp mặt tri ân thầy cô giáo trước ngày 20/11 hàng năm, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học

Phó Trưởng ban Liên lạc (BLL) Hội CHS Tân Trụ - Lê Văn Nhân cho biết: “Anh chị em học chung ngày xưa cùng nhau góp sức mỗi người một ít để tổ chức họp mặt CHS lần đầu tiên vào ngày 20-11-2003. Buổi họp mặt hôm ấy thành công ngoài mong đợi. Thầy cô, bạn bè thành đạt từ các tỉnh, thành xa xôi về dự đông đủ, không khí buổi họp mặt ấm áp tình thầy, tình bạn. Những lời động viên nhau của các CHS, niềm vui lấp lánh trong đôi mắt những người thầy, người cô tuổi cao, sức yếu giúp cho BLL thêm nghị lực, niềm tin để tổ chức những lần họp mặt tiếp theo”.

Năm nào cũng vậy, BLL Hội CHS Tân Trụ luôn dành tặng thầy cô giáo cũ những phần quà, tuy giá trị không lớn nhưng chứa đựng tấm lòng của bao thế hệ học trò. Đối với ngôi trường xưa, từ năm thứ 2 họp mặt, Hội CHS trao tặng trường hệ thống âm thanh, văn phòng phẩm và tiền mặt để nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày 20/11 được chu đáo, long trọng hơn. Quan niệm “Sinh ra thì dễ, nuôi sống và sống như thế nào mới là điều quan trọng”; từ đó, BLL Hội CHS Tân Trụ thực hiện kế hoạch phát triển hội và hoạt động của hội theo hình thức “vết dầu loang”. Nghĩa là, cứ mỗi lần họp mặt, BLL mời thêm CHS 1, 2 cấp lớp về dự, mỗi cấp cử người tham gia BLL, xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm theo từng chuyên đề: Năm thì tri ân thầy cô giáo; năm thì giúp đỡ HS nghèo; năm hỗ trợ CHS có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật;... Đến nay, BLL Hội CHS Tân Trụ có 20 cấp lớp (các khóa) với gần 700 CHS hàng năm về dự họp mặt. Chính họ là những người mang theo hoài bão, tâm nguyện và có rất nhiều nghĩa cử đáng trân trọng với thầy cũ, trường xưa.

15 năm qua, Hội CHS Tân Trụ vận động xây tặng 4 căn nhà tình thương, trao tặng 130 chiếc xe đạp, hơn 600 suất học bổng cho HS nghèo hiếu học; thăm hỏi, giúp đỡ những thầy cô giáo có hoàn cảnh neo đơn;... với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng. Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc, cũng là một CHS, cho biết: “Qua những thăng trầm cuộc sống, có lúc xã hội không “mặn mà” với ngành sư phạm, nhiều người do khó khăn phải bỏ nghề giáo. Thế nhưng, theo tôi, đó chỉ là tình trạng nhất thời. Nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh và thế hệ chúng tôi, cũng như các lứa học trò sau này, mãi mãi tri ân các thầy cô bằng những tình cảm chân thành nhất!”.

Cô Võ Thị Thơm xúc động: “Học trò của cô đa số đều thành đạt. Nhưng điều đáng quý là các em luôn nhớ về thầy cô giáo cũ. Các em luôn cố gắng tìm kiếm những thầy cô mất liên lạc từ rất lâu; cùng nhau đóng góp, hỗ trợ những thầy cô giáo nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Cứ hết lứa học trò này đến lứa khác, các em lưu giữ truyền thống tốt đẹp này và ngày càng mở rộng, tiếp nối cho đến hôm nay và mãi sau này như lời các em hứa. Tinh thần và truyền thống này không phải nơi nào cũng có được! Dù có thể món quà mà các thầy cô được nhận giá trị không lớn nhưng nó làm cho các thầy cô vô cùng hạnh phúc!”.

Hướng về thầy cô giáo bằng tất cả lòng yêu thương

Cô Trần Thị Ngởi - CHS khóa 4 huyện Châu Thành, cho biết: “Ngày xưa, thầy cô giáo không chỉ có nhiệm vụ dạy học mà còn như những người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ cùng học trò những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ngày trước, thầy cô giáo đều nghèo nhưng họ luôn kịp thời động viên, khích lệ các em vượt qua khó khăn, giúp các em gặt hái thành công. Chính vì vậy mà nhà giáo không chỉ được tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn” mà còn được xem là nghề “cao quý nhất” trong những nghề cao quý. Những lứa học trò như chúng tôi luôn yêu thương, kính trọng thầy cô giáo”.

Hội CHS khóa 4 (1964-1970) huyện Châu Thành được thành lập năm 2005. Ban đầu chỉ là một nhóm vài người bạn học chung tập trung lại, tổ chức đến thăm thầy cô giáo cũ, nhưng đến nay, hội có 69 người. Sau hơn 10 năm hoạt động, hội vẫn duy trì họp mặt 1 lần vào cận ngày 20-11 hàng năm để cùng nhau góp sức, hỗ trợ các thầy cô giáo cũ. Hội vận động xây dựng 3 ngôi nhà tình bạn, thăm thầy cô giáo cũ khi ốm đau, bệnh tật hay giúp đỡ gia đình thầy cô giáo khi có hữu sự,... với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Trong mọi thời kỳ, vị trí người thầy không hề đổi thay, ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý luôn được Hội CHS khóa 4 huyện Châu Thành coi trọng.

Hội Cựu học sinh khóa 4 huyện Châu Thành gặp gỡ, thăm hỏi thầy cô giáo

Tuy nhiên, hiện nay, khi những biểu hiện tiêu cực, những cái xấu vẫn len lỏi và tồn tại trong trường học làm tổn hại truyền thống “Tôn sư trọng đạo” thì những việc làm mà Hội CHS khóa 4 huyện Châu Thành duy trì là một “điểm sáng” cần được nhân rộng. Cũng theo cô Trần Thị Ngởi: “Hiện, thầy cô giáo cũ của lứa học trò khóa 4 còn vợ chồng thầy Nguyễn Văn Nhiều và cô Nguyễn Thị Trọng đang sống ở khu phố 3, thị trấn Tầm Vu là cao tuổi nhất, thầy 94 tuổi, cô gần 90 tuổi. Không phải đợi đến ngày 20-11 mà tôi và các bạn vẫn đến thăm hỏi, chăm lo cho thầy Nhiều, cô Trọng thường xuyên”.

Mỗi thế hệ học trò từng ngày lớn lên và thành đạt, đó là mong mỏi lớn nhất của những “người lái đò” cần mẫn. Các thầy cô giáo chẳng mong gì hơn là nhìn thấy các lớp học trò trở thành người có ích cho xã hội. Và việc thể hiện lòng biết ơn, phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” chính là đạo lý mà các thế hệ học trò luôn phải duy trì.

Duy trì và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

Được thành lập từ năm 2005, đến nay, Hội Cựu giáo chức (CGC) xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa có 57 hội viên (HV) với nhiệm vụ chăm lo thiết thực đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho các thầy cô giáo nghỉ hưu. Bằng nhiều hình thức và việc làm thiết thực, hội được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả, điển hình, vì sự nghiệp “trồng người”, trong đó có sự đóng góp lớn của cô Nguyễn Thị Nhiễn.

Cô Nguyễn Thị Nhiễn (76 tuổi) - Chủ tịch Hội CGC xã Hòa Khánh Đông, cho biết: “Hội của chúng tôi đa phần là các thầy cô lớn tuổi, thuộc lớp giáo viên từ trước giải phóng. Sau khi rời bục giảng, mỗi người mỗi hoàn cảnh, chúng tôi tham gia sinh hoạt Hội CGC để được gặp gỡ, trò chuyện, động viên nhau lúc khó khăn”.

Chỉ riêng trong năm học 2017-2018, cô Nhiễn vận động 1.000 quyển tập, 400 quyển sách đạo đức cho cấp tiểu học, 40 phần quà trao tặng HS nghèo các trường: Tiểu học Lê Văng Cảng, Tiểu học Hòa Khánh Đông và THCS Thi Văn Tám, với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, các HV còn vận động mạnh thường quân ủng hộ Hội Khuyến học của xã với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Cô Nguyễn Thị Nhiễn (bên phải) - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hòa Khánh Đông, thăm hỏi cô Nguyễn Thị Tạc bên căn nhà tình thương được Hội Cựu giáo chức và mạnh thường quân hỗ trợ xây tặng năm 2006

Hơn 12 năm hoạt động, Hội CGC xã Hòa Khánh Đông thường xuyên hỗ trợ học bổng, phát thưởng cuối năm cho HS nghèo có hoàn cảnh khó khăn,... Ngoài ra, hội còn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho HV, thành lập quỹ thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo nghỉ hưu cùng nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích. Hội cũng kịp thời trợ cấp khi khó khăn, thăm hỏi lúc ốm đau, duy trì và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, hội đều tổ chức thăm hỏi, chúc tết, tổ chức mừng thọ các thầy cô cao tuổi. Hội còn duy trì tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ, tổ chức cho HV tham gia các đợt tham quan, du lịch Thái Lan, Campuchia do Huyện hội tổ chức,...

Cô Nguyễn Thị Nhiễn chia sẻ thêm: “Thời gian tới, hội tiếp tục vận động CGC tham gia hội và phấn đấu là gương sáng cho con cháu trong gia đình, dòng họ và HS tại địa phương noi theo, tích cực đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết