Tiếng Việt | English

20/04/2018 - 11:16

Giữ “lửa” nghề

Nhiều làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Long An vẫn được gìn giữ, tiếp nối, phát triển trong cuộc sống hiện đại.

Cha truyền con nối

“Chẳng nhớ theo nghề từ lúc nào, chỉ biết rằng, đến nay, tôi “làm bạn” với những thanh gỗ đã mấy chục năm. Nhờ yêu nghề nên mới giữ được dù có những lúc gặp khó khăn. Ngày nào không làm, tôi thấy như thiếu cái gì đó” - thợ giỏi Lê Long Hồ, ngụ xã Bình An, huyện Thủ Thừa, chia sẻ về nghề mộc truyền thống của gia đình.

Nghề mộc của gia đình anh Lê Long Hồ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 9 triệu đồng/tháng

Nghề mộc của gia đình anh Lê Long Hồ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 9 triệu đồng/tháng

Ngày trước, ông nội của anh Hồ nổi tiếng nhất vùng về nghề “chơi với gỗ”. Sau này, cha anh tiếp nối, truyền lại và nghề mộc được anh kế thừa, phát triển. Theo anh Hồ, nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, có năng khiếu về nghệ thuật, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm nội thất đẹp, sang trọng, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đôi tay khéo léo của người thợ, những khối gỗ thô sơ, sần sùi trở thành những sản phẩm bắt mắt, có giá trị cao. Những sản phẩm của anh Hồ làm ra có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước. Hàng tháng, anh lãi vài chục đến cả trăm triệu đồng (tùy thời điểm). Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập ổn định 9 triệu đồng/tháng.

Anh Hồ trải lòng: “Có những lúc tưởng chừng bỏ nghề vì gặp khó khăn; sản phẩm chịu sức ép từ sự cạnh tranh với nội thất cao cấp, hiện đại; hiếm nhân công làm nghề. Nhưng, tôi tự nhủ, phải giữ nghề truyền thống. Vì thế, tôi chuyển từ thủ công sang làm bằng máy. Sản phẩm được chạm, khắc theo xu hướng của thị trường. Cứ thế, tôi dần vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề đến tận hôm nay”.

Bền bỉ với nghề

Trong khi một số người chuyển đổi nghề để mưu sinh thì nhiều người vẫn quyết giữ nghề dệt chiếu truyền thống. Về xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, hỏi bà Chiều dệt chiếu, rất nhiều người biết vì bà nổi tiếng với nghề này. Bà kể, nghề này có từ lâu, thời bà ngoại truyền lại đến bây giờ. Ngày xưa, gia đình bà dệt chiếu thủ công từ khâu chẻ lát, phơi lát đến nhuộm, dệt theo yêu cầu của khách hàng. Người thợ tỉ mỉ, khéo léo đan các sợi lát thật chặt, làm nên những đôi chiếu đẹp, hoa văn phong phú. Muốn chiếu đẹp, sợi lát phải mềm. Một thợ lành nghề dệt được 2 đôi chiếu/ngày.

Gia đình thợ giỏi Phạm Thị Chiều chuyển sang dệt chiếu bằng máy nên tiết kiệm thời gian, làm được nhiều sản phẩm hơn

Gia đình thợ giỏi Phạm Thị Chiều chuyển sang dệt chiếu bằng máy nên tiết kiệm thời gian, làm được nhiều sản phẩm hơn

“Một số bạn của tôi chuyển nghề nhưng gia đình vẫn giữ, bởi, nghề này là truyền thống của dòng họ. Tôi nhớ, ngày xưa, bà ngoại chỉ tôi chẻ lát, dệt, cách lẫy hoa văn. Hồi đó dệt chiếu thủ công, số lượng sản phẩm rất ít, còn bây giờ dệt máy, sản phẩm nhiều hơn, ít mất thời gian. Trung bình một ngày, tôi dệt 25 đôi chiếu loại dài 2m (hoàn toàn tự động) hoặc 5 đôi nếu dệt bán tự động. Nhờ “tiếng lành đồn xa”, chiếu của gia đình tôi có thị trường tiêu thụ ổn định, ít bị tồn hàng. Tôi dự định trang bị thêm máy, tiếp tục phát triển nghề truyền thống của dòng họ” - thợ giỏi Phạm Thị Chiều cho biết.

Tôi là thế hệ thứ 3 tiếp nối, giữ gìn và phát triển nghề mây, tre đan của gia đình. Với tôi, nghề này vừa là công việc mưu sinh, vừa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống”.

Bà Trần Thị Lựu, ngụ ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa

Sống được với nghề

Nghề mây, tre đan, ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người nơi đây. Hơn 100 năm qua, nghề này vẫn được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cụ già, em nhỏ trong ấp đều biết nghề.

83 tuổi, bà Nguyễn Thị Dề có trên 70 năm làm nghề. Bà bảo rằng: “Không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết từ thời cha tôi đã làm. Nghề này không quá khó, chỉ cần để ý là có thể học được. Cái khó nhất là khâu chẻ nan (nguyên liệu) phải đều, đủ độ mềm để làm ra những sản phẩm đẹp”.

Bà Nguyễn Thị Dề, 83 tuổi, ngụ ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, có hơn 70 năm làm nghề mây, tre đan

Bà Nguyễn Thị Dề, 83 tuổi, ngụ ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, có hơn 70 năm làm nghề mây, tre đan

Chị Văn Thị Thủy cũng làm nghề mây, tre đan khá lâu. Chị được cha, mẹ và những người lớn tuổi trong ấp truyền nghề. Chị Thủy tâm sự: “Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tôi đan kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhiều gia đình thoát nghèo cũng nhờ nghề này vì thu nhập tương đối ổn định. Hơn nữa, làm để giữ nghề truyền thống không bị mai một theo thời gian”.

Làng nghề, nghề truyền thống sẽ còn sức sống khi còn đó những người yêu và quyết tâm giữ gìn, phát triển./.

Toàn tỉnh hiện có 10 làng nghề, nghề truyền thống được công nhận. Làng nghề, nghề truyền thống có 2 nghệ nhân, 29 thợ giỏi trong tổng số 13 nghệ nhân, 120 thợ giỏi được công nhận.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết