Tiếng Việt | English

03/05/2018 - 02:00

Giúp công nhân an cư

Toàn tỉnh hiện có hơn 216.000 công nhân, lao động (CNLĐ). Thời gian qua, lực lượng này đóng góp rất lớn trong việc tạo ra sản phẩm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn CNLĐ đang gặp khó khăn về nhà ở, đa số phải thuê trọ. Nhằm góp phần giúp CNLĐ an cư, lạc nghiệp, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thực hiện chương trình Mái ấm Công đoàn (CĐ) tạo điều kiện cho họ an cư. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng tham gia xây dựng nhà ở cho CN.

Niềm vui từ những Mái ấm công đoàn

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh vận động trên 17,8 tỉ đồng cho Quỹ Tấm lòng vàng. Từ số tiền này, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ xây dựng 337 mái ấm CĐ cho những CN khó khăn về nhà ở. Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, ngụ ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, xúc động: “Vợ chồng tôi làm CN, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 đứa con nhỏ. Cách đây 3 năm, tôi được CĐ công ty xem xét, đề xuất LĐLĐ tỉnh hỗ trợ mái ấm CĐ. Từ đó đến nay, tôi an tâm làm việc, không phải lo lắng về chỗ ở như trước nữa”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Thúy - CN Công ty TNHH Giày FuLuh (huyện Cần Giuộc), không giấu được niềm vui khi nhận căn nhà mới: “Mái ấm CĐ giúp CNLĐ nghèo như chúng tôi sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp CĐ, không biết đến bao giờ, gia đình tôi mới có được căn nhà khang trang như thế này”.

Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng mái ấm Công đoàn cho công nhân, lao động khó khăn về nhà ở

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: “LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp CĐ khảo sát, thăm hỏi, nắm tình hình để có sự hỗ trợ kịp thời đối với những gia đình CN gặp khó khăn về nhà ở”.

Chung tay giúp công nhân an cư

Cách đây gần 2 năm, gia đình anh Trần Văn Nhanh dọn về căn phòng hơn 25m2 trong khu nhà ở dành riêng cho CN của Công ty TNHH SX TMDV Lê Nam (ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa). Anh Nhanh chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi được ở một nơi khang trang như thế này. Khu nhà ở có hàng rào, vệ sinh sạch sẽ, điện, nước đầy đủ và chỉ cách nhà máy chừng 5 phút đi bộ nên rất thuận tiện cho việc đi lại, nhất là với CN làm ca đêm. Khi vào đây ở, CNLĐ chỉ đóng tiền điện, nước, vệ sinh và bảo vệ,... công ty còn hỗ trợ CNLĐ 100.000 đồng/người/tháng”.

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Gấm được Công ty Dệt Đông Quang (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) hỗ trợ nhà ở, giúp vợ chồng chị an tâm làm việc. Chị Gấm cho biết: “Trước khi chuyển đến đây, gia đình tôi thuê phòng ở trong các khu nhà trọ cho CN. Mỗi căn phòng chỉ rộng khoảng 12m2, giá thuê từ 700.000-800.000 đồng/tháng. Từ khi được công ty hỗ trợ chỗ ở mới sạch sẽ, khang trang hơn, điều kiện sống của gia đình tôi cũng tốt hơn trước”.

Công ty Dệt Đông Quang (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) là một trong số ít doanh nghiệp xây dựng nhà ở tập thể dành riêng cho công nhân, lao động

Công ty Dệt Đông Quang (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) là một trong số ít doanh nghiệp xây dựng nhà ở tập thể dành riêng cho công nhân, lao động

Giám đốc Nhân sự kiêm Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty G.N (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Thị Hà thông tin: “Việc xây dựng khu nhà ở dành cho CN là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chăm lo, giúp người lao động an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Đây là điểm kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp trong một tầm nhìn dài hạn về thực thi chiến lược phát triển bền vững. Ở Công ty G.N, hầu hết CNLĐ, nhất là những CNLĐ nhập cư, đều khó khăn nên Ban Chấp hành CĐ cơ sở rất quan tâm đến đời sống, việc làm của họ. nhờ vậy mà CNLĐ không phải lo lắng về nơi ở. Nhiều người còn có tiền tích góp để sắm sửa, thậm chí mua đất, cất nhà...”.

Với mục đích đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai xây dựng nhà ở cho người lao động, ưu tiên cho CN gắn bó lâu năm, đạt nhiều thành tích trong lao động vào ở. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: “Theo khảo sát tại các khu công nghiệp, mới chỉ có khoảng 20% tổng số CNLĐ có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang ở trọ với giá thuê từ 500.000-800.000 đồng/tháng. Hầu hết các phòng trọ đều chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3-4m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm”.

Với mức thu nhập bình quân hàng tháng còn thấp, chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của CN tại các khu, cụm công nghiệp. Chính vì vậy, việc giải quyết chỗ ở ổn định cho CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp là nhu cầu cần thiết và cấp bách./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết