Tiếng Việt | English

28/08/2018 - 12:25

Giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Hiện nay, nhiều người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Nhiều mô hình hay

Nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An phối hợp các ngành, đoàn thể huyện và chính quyền các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người hoàn lương. Năm 2013, Công an huyện phối hợp Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh, UBND xã Tân Kim triển khai thực hiện mô hình Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng.

Những người chấp hành xong án phạt tù cần được quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm để sớm tái hòa nhập cộng đồng

Trung tá Nguyễn Hữu Phước - Trưởng Công an xã Tân Kim, thông tin, Công an xã hiện quản lý 50 người chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện mô hình Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng, lực lượng Công an xã thường xuyên gặp gỡ, động viên để nắm tâm tư, nguyện vọng, qua đó quản lý, giáo dục hướng nghiệp và hướng dẫn thủ tục xóa án tích khi đủ điền kiện cho họ, góp phần thực hiện tốt Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phường 3, TP.Tân An duy trì hiệu quả mô hình Hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm giúp người chấp hành xong hình phạt tù. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3 - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, hàng năm, qua rà soát, hội liên tịch với một số ngân hàng, quỹ tín dụng, tạo điều kiện cho một số người chấp hành xong hình phạt tù vay từ 10-20 triệu đồng/người,... 8 tháng năm 2018, hội tạo điều kiện cho 4 trường hợp vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.

5 năm qua (2012-2017), các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh chung tay cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hàng ngàn người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Riêng lực lượng công an các cấp trong tỉnh phối hợp tiếp nhận hơn 4.500 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, hướng dẫn viết cam kết không vi phạm pháp luật, giúp đỡ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống;...

Làm lại cuộc đời

Năm 2014, buồn vì cuộc sống khó khăn, làm ăn thua lỗ, anh H.T.H (SN 1991), ngụ ấp Trị Yên, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, “gia nhập” nhóm thanh niên ăn chơi lêu lổng và bị phạt tù vì tội cố ý gây thương tích. Ngày 25/01/2017, anh được tha tù trước hạn 7 tháng. Khi trở về địa phương, anh được các hội, đoàn thể giới thiệu vào làm bảo vệ cho một công ty chuyên sản xuất giày với thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng. Anh H.T.H chia sẻ: “Quãng thời gian gần 3 năm trong Trại Tạm giam Phước Hòa (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), tôi rất hối hận và tự hứa phải cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, vợ con,... Bây giờ, tôi lo làm ăn, không đi theo vết xe đổ, quyết tâm làm lại cuộc đời từ sức lao động của mình để không phụ lòng mọi người đã quan tâm, giúp đỡ”.

Nhiều người sau khi mãn hạn tù được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn, cố gắng làm ăn, cải thiện cuộc sống

Sau khi mãn hạn tù, cuộc sống của anh N.M.T (SN 1986), ngụ khu phố Bình Đông 1, phường 3, TP.Tân An, gặp nhiều khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định, bản thân luôn mặc cảm vì quá khứ lầm lỗi,... Được gia đình an ủi, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm động viên, giáo dục, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. “Năm 2017, tôi may mắn được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tạo điều kiện vay ngân hàng 15 triệu đồng làm vốn buôn bán. Đến nay, tôi đã hoàn vốn vay, cuộc sống dần ổn định”.

Anh C.N.B.S, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, chấp hành án treo tại địa phương. Được sự giáo dục, giúp đỡ của địa phương, anh tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã. Thời gian qua, anh C.N.B.S cùng lực lượng công an và các thành viên đội dân phòng bắt gần 200 vụ trộm, cướp; thu giữ hàng trăm xe môtô các loại, nhiều dây chuyền vàng, điện thoại và tài sản khác có giá trị. Anh C.N.B.S được Công an tỉnh, UBND huyện tặng nhiều giấy khen.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo nhận định của lực lượng chức năng, không tìm được việc làm ổn định, tâm lý tự ti, mặc cảm,... là những nguyên nhân chính khiến những người được tha tù, mãn hạn tù sau khi trở về địa phương khó hòa nhập cộng đồng, từ đó dễ tái phạm. Hiện nay, công tác quản lý, giúp đỡ đối tượng nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng khó khăn hơn các đối tượng khác.

Trung tá Nguyễn Hữu Phước - Trưởng Công an xã Tân Kim, cho biết: “Để những người được tha tù, mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, rất cần sự quan tâm của gia đình, chính quyền địa phương và cộng đồng chứ không riêng lực lượng công an. Chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể cần xây dựng các mô hình giúp người mãn hạn tù, được tha tù tái hòa nhập cộng đồng, được tiếp cận các nguồn vốn vay và tìm được việc làm ổn định.

Để những người được tha tù, mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình và toàn xã hội

Để những người được tha tù, mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình và toàn xã hội

Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, thông tin: “Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân không kỳ thị, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống khi trở về địa phương. Đặc biệt, tiến hành rà soát, phân loại, cập nhật thông tin, chủ động quản lý số đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện vay vốn; xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết: Thời gian qua, các cấp Đoàn, hội trong tỉnh phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên chấp hành xong án phạt tù. Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh sẽ thực hiện kế hoạch phối hợp Trại giam Thạnh Hòa, Long Hòa trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng thông qua giới thiệu việc làm, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, hội sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục với chủ đề “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; tổ chức hoạt động giao lưu, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng của các em và gia đình để kịp thời có những hoạt động hỗ trợ phong phú và thiết thực. Qua đó, tạo được sự gần gũi, xóa bỏ mặc cảm của thanh niên chậm tiến, đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực, lối sống ích kỷ, cá nhân và định hướng lối sống tốt đẹp cho thanh, thiếu niên./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết