Tiếng Việt | English

17/10/2019 - 09:56

Giúp người nghèo vươn lên

Thông qua các chương trình vay vốn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, vận động tặng quà, xây nhà,... người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thông qua Hội Nông dân xã Hậu Thạnh Đông, ông Chung Thanh Tùng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Thạnh cho vay lên 100 triệu đồng phát triển sản xuất

Nhiều chính sách ưu đãi

Hiện nay, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế, giảm học phí, hỗ trợ tiền điện, dạy nghề, tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với lãi suất ưu đãi,... Đặc biệt, vừa qua, Hội đồng Quản trị NHCSXH ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh từ 50 lên 100 triệu đồng. Đây được xem là chính sách nhân văn góp phần trao thêm “cần câu” cho người nghèo.

Gia đình ông Chung Thanh Tùng, ngụ ấp Huỳnh Thơ, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, là một trong những hộ đầu tiên được hưởng chính sách nâng mức cho vay từ 50 lên 100 triệu đồng. Từ số vốn vay ưu đãi này, ông có điều kiện mua thêm máy móc hiện đại phục vụ nghề làm mộc của gia đình. Ông Tùng cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi ổn định. Tuy nhiên, năm 2016, tôi bị bệnh suy thận, 2 đứa con vào đại học nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để làm kinh tế. Năm 2019, tôi tiếp tục được NHCSXH nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng để mở rộng quy mô nghề mộc. Dự kiến năm 2020, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2015-2020), Long An có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo. Tiêu biểu là Chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Tuyền chia sẻ: “Thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện xây dựng được 3 mô hình giảm nghèo tại xã Nhơn Hòa, Tân Bình, Nhơn Ninh, Tân Ninh và Tân Thành, trong đó, hỗ trợ 18 hộ nghèo với tổng nguồn vốn gần 250 triệu đồng. Hiện nay, phòng tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo ở 3 xã Nhơn Hòa, Tân Hòa và Tân Ninh, với 14 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, tổng kinh phí 180 triệu đồng. Với sự hỗ trợ này, người nghèo sẽ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Xác định tạo việc làm cho người nghèo là nền tảng giảm nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Kiến Tường tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Chị Trần Thị Loan, ngụ xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề làm thuê nên thu nhập bấp bênh. Sau khi được xã giới thiệu vào làm việc tại một công ty gần nhà, tôi có thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.

Xã hội hóa chăm lo người nghèo

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh không chỉ thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước mà còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm lo người nghèo như xây nhà, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí,...

Huyện Cần Đước là địa phương tiêu biểu thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm lo người nghèo. Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước - Võ Minh Quang cho biết: “Đến nay, UBMTTQ Việt Nam huyện vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ xây tặng 36 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, bình quân mỗi căn trị giá 40 triệu đồng; vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 1,4 tỉ đồng. Đặc biệt, thực hiện và nhân rộng Đề án Thoát nghèo bền vững, đến nay, UBMTTQ Việt Nam huyện giúp đỡ được 92 hộ nghèo. Theo đó, mỗi hộ được vay 20 triệu đồng trở lên, thời hạn vay 5 năm, trong đó UBMTTQ Việt Nam huyện chi trả lãi cho người nghèo từ nguồn vận động xã hội hóa”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nê, ngụ ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, mơ ước có căn nhà kiên cố để che nắng, trú mưa đã nhiều năm nhưng đến năm 2019 mới thực hiện được nhờ UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà Đại đoàn kết. Bà Nê tâm sự: “Đây là căn nhà mơ ước của tôi nhiều năm qua. Cảm ơn chính quyền địa phương, nhà hảo tâm giúp ước mơ của tôi thành hiện thực!”.

Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ thực hiện mô hình Khởi sự buôn bán cho phụ nữ nghèo. Hình thức hoạt động là vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm cho phụ nữ nghèo mượn tiền không lấy lãi để đầu tư buôn bán. Đến nay, mô hình giúp đỡ được 4 phụ nữ nghèo. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng, ngụ ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, trải lòng: “Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã tạo điều kiện cho tôi mượn 4 triệu đồng làm vốn bán tạp hóa. Nhờ vậy, tôi vừa có thu nhập ổn định, vừa có thời gian chăm lo gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng có cuộc sống ổn định nhờ mô hình Khởi sự buôn bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng có cuộc sống ổn định nhờ mô hình Khởi sự buôn bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ

Với mong muốn sẻ chia cùng những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều câu lạc bộ thiện nguyện được thành lập nhằm chung tay cùng địa phương chăm lo cho người nghèo như Câu lạc bộ Thiện Tâm, Liên Tâm (trực thuộc Thành đoàn Tân An), Câu lạc bộ Minh Tâm (TP.Tân An),... Bà Nguyễn Thị Đẹp, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, bộc bạch: “Tôi bị bệnh thoái hóa cột sống, 2 đứa con còn đang tuổi ăn học, vì vậy kinh tế gia đình rất khó khăn. Đợt khai giảng vừa qua, trong lúc gia đình đang lo lắng chi phí cho hai đứa con vào đầu năm học mới thì được Câu lạc bộ Thiện Tâm tặng quần áo, sách vở và học bổng nên gia đình tôi mừng lắm!”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Đẹp vui mừng khi được mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ

Gia đình bà Nguyễn Thị Đẹp vui mừng khi được mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ

Những năm qua, các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn chung tay chăm lo người nghèo. Qua đó, người nghèo kịp thời được tiếp cận các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Điều đó được minh chứng bằng con số tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm qua từng năm. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 4,03% hộ nghèo thì đến tháng 9-2019 chỉ còn 2,21% hộ nghèo./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết