Tiếng Việt | English

14/04/2020 - 10:51

Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ: Làm sao để tiền không “đi lạc"?

Cần có những bước đi cụ thể ra sao, để tiền hỗ trợ không "đi lạc” là băn khoăn của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là gói an sinh xã hội lớn, hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Theo đó, sẽ có khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng khác nhau được nhận hỗ trợ từ Chính phủ với tổng số tiền là 62.000 tỷ đồng.

Về việc rà soát các đối tượng được nhận hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trên thực tế, xác định đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, lao động mất việc có ký kết hợp đồng lao động sẽ không khó thực hiện. Song với nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) bị mất việc làm hiện nay rất đông, nhưng lại khó xác định chính xác, bởi những đối tượng này thường di cư tự do, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, chỗ ở không ổn định...


Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần quan tâm đến người lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. 

“Để không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng, các địa phương phải vào cuộc tích cực, phối hợp triển khai rà soát đối tượng lao động tự do. Trong nhóm lao động tự do, tôi cho rằng đối tượng nên ưu tiên được thụ hưởng chính sách là người bán hàng rong, lao động thu gom rác, người làm nghề bốc vác, người bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú…

Việc rà soát các đối tượng thụ hưởng cũng cần quan tâm đến người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện tại, đời sống của những đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới có thể có một bộ phận lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bị tác động sâu, nhưng không nằm trong hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội. Nhóm này phải do chính quyền các địa phương nghiên cứu, xem xét, tổng hợp, thống kê để tránh bỏ sót.

Về tổng thể, việc triển khai gói an sinh xã hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các bên liên quan, bảo đảm tinh thần nhất quán là không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với nguồn kinh phí lớn, chi cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, cần có những bước đi cụ thể ra sao, để tiền hỗ trợ không "đi lạc” là băn khoăn của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng quan điểm xuyên suốt là việc triển khai gói an sinh xã hội cần linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Do đó, trước tiên các cấp, ngành chức năng, trực tiếp là Bộ LĐ-TB-XH cần xây dựng rõ tiêu chí để xác định, khoanh vùng các nhóm đối tượng, nhất là nhóm lao động tự do. Tiêu chí này phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tuyệt đối không được bỏ sót hoặc để trùng, phải rõ ràng đến từng ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương…

Đặc biệt, chính quyền địa phương phải nắm rõ đối tượng lao động tự do trên địa bàn, căn cứ vào đó tiến hành tổng hợp, thống kê, lên danh sách và công khai để toàn dân được biết. Sau khi công khai danh sách này, mỗi người dân sẽ là một người giám sát để bảo đảm sự công bằng cao nhất trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các địa phương cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến lao động tự do trên cơ sở theo dõi sát sao diễn biến thị trường lao động trong thời gian gần đây.

“Khi rà soát các đối tượng thụ hưởng, điều quan trọng là các địa phương phải đơn giản hóa thủ tục hành chính đến mức tối đa, bởi người dân đang cần lo cho cuộc sống ngay trước mắt, không thể chờ đợi lâu hơn. Cùng với đó, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Những việc này cũng cần quy rõ trách nhiệm của từng cấp, nhất là chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn, người đứng đầu công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh”...

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ là giải pháp quan trọng để hỗ trợ, cùng người lao động, nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để ổn định lòng dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, không có cách nào tốt hơn là các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay triển khai Nghị quyết với tinh thần công tâm, công bằng, góp phần cùng cả nước vượt qua những thách thức hiện nay./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết