Tiếng Việt | English

04/04/2020 - 11:45

Góp chút yêu thương

Tuổi đời còn trẻ (35 tuổi) thế nhưng sư cô Diệu Nguyên đã có 3 năm làm Trụ trì chùa Vạn Phước, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Với tấm lòng từ bi, bác ái, sư cô luôn tận tâm chăm lo cho người nghèo.

Người đi xây cầu

Dáng người dong dỏng cao, nét mặt toát lên vẻ hiền từ, đôn hậu, cách làm việc nhanh và dứt khoát - đó là ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với sư cô Diệu Nguyên.

“Quê ở miền Trung, từ nhỏ đã chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh và thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhất là bệnh tật nên sư đã quy y cửa Phật với mong muốn toàn tâm, toàn ý giúp đỡ mọi người. Sau đó, sư vào TP.HCM tầm sư học đạo và được giao nhiệm vụ Trụ trì chùa Vạn Phước. Đây là cơ hội thuận lợi để sư vận động, kêu gọi phật tử và những tấm lòng nhân ái chung sức, chung lòng làm việc thiện lành” - sư cô cho hay.

Sư cô Diệu Nguyên trên cây cầu do mình vận động hỗ trợ xây dựng

Sư cô Diệu Nguyên trên cây cầu do mình vận động hỗ trợ xây dựng

Sư cô kể, khi đặt chân đến chùa Vạn Phước cách đây 3 năm, ấn tượng của sư là vùng quê này vẫn còn khó khăn. Với tâm niệm, làm việc thiện cần sự lan tỏa, việc thiện ấy phải mang tính cộng đồng,… Và ý nghĩ hỗ trợ xây cầu nông thôn cho người dân cũng hình thành từ đó. Mấy năm về Cần Đước là chừng ấy năm, sư cô rong ruổi trên các nẻo đường làm từ thiện. Đến nơi nào thấy cầu, đường xuống cấp, hư hỏng nặng là sư cô khảo sát, lên kế hoạch trình các cơ quan chức năng để hỗ trợ xây dựng. Thế nhưng, số tiền xây cầu tương đối lớn nên sư cô cần sự đồng hành của những người có lòng thiện nguyện. Không quản ngại khó nhọc, sau những chuyến đi khảo sát xây cầu, sư cô lại chạy xe máy đi TP.HCM để vận động mạnh thường quân. Mỗi năm, sư cô tài trợ từ 1-2 cầu giao thông nông thôn, không chỉ trên địa bàn xã Phước Đông mà còn lan tỏa ở những địa phương khác.

Sư cô cười hiền: “Từ thuở nhỏ, gia đình và bản thân sư cũng gặp nhiều khó khăn nên mình nguyện ước khi có điều kiện sẽ làm việc thiện. Đạo Phật với tinh thần “từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha” nên ngoài chuyện tu hành, chúng tôi còn hướng đến những việc thiện để giúp ích cho đời”.

Sư cô chia sẻ, có người ủng hộ tiền mặt nhưng cũng có người hỗ trợ vật liệu xây dựng. Vì vậy, sư cô phải xắn tay vào làm. Đôi khi số tiền mạnh thường quân hỗ trợ không đủ, sư cô lại đi vận động thêm những người dân ở khu vực chuẩn bị được thụ hưởng công trình. Những cây cầu nghĩa tình cứ thế được xây dựng, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa đi lại dễ dàng hơn.

“Mạnh thường quân mỗi người mỗi cách làm nhưng những người sư quen, họ rất thích hỗ trợ xây cầu. Bởi họ cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết, có thể giúp ích cho nhiều người trong xã hội, góp phần làm cho quê hương ngày càng đổi mới. Đi lại nhiều lần, đôi khi cũng khiến sư vất vả nhưng mỗi khi nhìn thấy những công trình hình thành là nỗi nhọc nhằn lại tan biến” - sư cô nói.

Miệt mài làm từ thiện

Với suy nghĩ giản đơn “thương người như thể thương thân”, sư cô không chỉ vận động tăng, ni, phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo” mà còn chấp hành tốt Hiến chương, quy định của giáo hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sư cô không quản ngại vất vả để tìm hiểu hoàn cảnh của những mảnh đời bất hạnh, “đi xin” từng phần quà cho những mảnh đời cơ nhỡ.

Đứa trẻ được sư cô nhận nuôi nay đã hơn 1 tuổi

Đứa trẻ được sư cô nhận nuôi nay đã hơn 1 tuổi

Miệt mài với những bước chân thiện nguyện, mỗi ngày sư cô luôn quan tâm tìm hiểu những mảnh đời bất hạnh như không có nhà ở, không tiền trị bệnh để giúp đỡ. Dù nắng hay mưa, xa hay gần, sư cô đều đến tận nơi để thăm hỏi, động viên. Hiện tại, sư cô tài trợ nuôi dưỡng thường xuyên (mỗi tháng 500.000 đồng) đối với một bé tâm trí không được bình thường, gia cảnh nghèo khó trên địa bàn xã. Không chỉ làm công tác từ thiện, hàng tháng vào ngày 15 và mùng 1 Âm lịch, sư cô còn tổ chức nấu, phát cơm chay miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại chùa. Những ngày đó, từ 3 giờ sáng, sư cô cùng một số phật tử sinh sống gần chùa đã thức giấc để phụ nấu cơm, thức ăn. Họ làm việc vui vẻ cùng nhau, chỉ mong cho đi những suất cơm ấm áp nghĩa tình.

Cách đây khoảng 1 năm, người dân báo tin cho sư cô về trường hợp có một bé trai bị bỏ rơi gần chùa. “Lúc ấy bé tầm 3-4 tháng. Sau khi trình báo chính quyền địa phương và làm đầy đủ các thủ tục cần thiết, chùa nhận nuôi bé và đặt tên là Nguyễn Phúc Tâm với hy vọng, con lớn lên sẽ có nhiều hạnh phúc, có lòng thiện nguyện” - sư cô bộc bạch.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh cho biết, sư cô Diệu Nguyên là người giàu lòng nhân ái, hết lòng giúp đỡ người nghèo, nhất là người già, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam,... Những năm gần đây, qua sự kêu gọi của Hội, sư cô đồng hành hỗ trợ nhà tình thương, tặng quà cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và học sinh vượt khó học giỏi,… Tấm lòng của sư cô thật đáng trân trọng!

3 năm qua, sư cô cùng phật tử thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, tham gia ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách khó khăn, làm việc tâm đức, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài, đóng góp xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, tặng quà cho những người tàn tật, không nơi nương tựa,... Bản thân sư cô nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh về đóng góp cho công tác an sinh xã hội./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết