Tiếng Việt | English

24/01/2018 - 20:12

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn (gọi tắt cấp GCNSDĐ) được ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An thực hiện tương đối tốt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề liên quan.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Trương Thanh Liêm (giữa) phối hợp chính quyền địa phương khảo sát để chi trả bồi thường cho người dân theo quy định

Hiện nay, toàn tỉnh cấp được 1.218.024 thửa đất, tương ứng 414.280,08ha, đạt 97,73% so với tổng diện tích cần cấp 423.916,4ha. Có 12 địa phương cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ lần đầu (đạt trên 97% diện tích cần cấp).

Kết quả tích cực

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg, ngày 24-8-2011, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 12-9-2012 về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp GCNQSDĐ và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành TN&MT tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đạt một số kết quả tích cực.

Tại huyện Tân Thạnh, nhiều thửa đất trước đây chưa được đo đạc, chưa xác định được chủ đất, người dân không mặn mà với việc này và cho rằng, đất mình ở, canh tác nhiều năm thì hiển nhiên là của mình. Từ thực trạng này, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và liên hệ với các hộ dân để tiến hành đo đạc, xác định diện tích và cấp GCNQSDĐ.

Ông Trần Văn Toàn, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Tôi canh tác trên đất khai phá rất nhiều năm, đôi lúc cũng không quan tâm đến việc có GCNQSDĐ. Sau khi được địa phương tư vấn, hỗ trợ, tôi đăng ký và được cấp giấy. Tôi đem thế chấp ở ngân hàng để vay vốn chăn nuôi bò, tăng thu nhập cho gia đình”.

Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Thạnh - Tô Thành Dương cho biết: “Việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn đạt kết quả tích cực: 99,6% trên tổng diện tích cần cấp. Tuy nhiên, huyện gặp một số khó khăn do chưa có cơ sở dữ liệu về đất đai, các thửa diện tích nhỏ (trước đây đăng ký sót) nên mất nhiều thời gian rà soát. Việc vận động người dân đăng ký gặp khó do vùng kinh tế mới, số hộ xâm canh nhiều, thường đến canh tác theo mùa”.

Tại huyện Cần Giuộc, việc cấp GCNQSDĐ được lãnh đạo, ngành chức năng thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; công tác giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường để thực hiện các dự án, phục vụ phát triển KT-XH địa phương cũng thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, vui mừng: “Cán bộ phụ trách đến tận nơi đo đạc, xác định diện tích đất của gia đình và cấp GCNQSDĐ đầy đủ, chính xác. Trước đây, ranh đất không rõ ràng nên nhiều lúc, hàng xóm lời tiếng qua lại, mất tình cảm. Nhưng từ khi chính quyền địa phương, ngành chức năng giải quyết hợp lý, hợp tình, tình làng, nghĩa xóm được cải thiện. Mặt khác, nhờ có giấy tờ, gia đình tôi vay được tiền mở rộng quy mô kinh doanh, tăng thêm thu nhập đáng kể, vài ngày nữa đủ vốn, tôi ra ngân hàng chuộc sổ về”.

Nhờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, địa phương có cơ sở trong việc giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường để thực hiện dự án

"Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường vai trò, đẩy mạnh việc cấp GCNQSDĐ để sớm hoàn thành kế hoạch”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh đề nghị.

Tiếp tục đẩy mạnh

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Cần Giuộc - Dương Văn Tuấn Kiệt: Việc cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn đạt 98,8%. Đạt kết quả trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, chính quyền địa phương và sở, ngành tỉnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện quan tâm, đôn đốc, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện theo kế hoạch.

“Tuy nhiên, huyện còn vướng mắc do chưa thể xác định được chủ sử dụng hoặc thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người (đối với đất nghĩa trang, nghĩa địa). Nhiều người dân thờ ơ, không quan tâm; một số còn xảy ra tình trạng tranh chấp nên mất thời gian giải quyết. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai để người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động đăng ký; tập trung thẩm tra, xác nhận kịp thời hồ sơ xin cấp GCN (trường hợp không rõ tình trạng SDĐ thì lấy ý kiến đại diện trong khu dân cư trước khi xác nhận, tránh mất thời gian).

Đồng thời, huyện kiến Sở TN&MT xem xét, bố trí kinh phí thực hiện công tác đo đạc, nâng cấp tỷ lệ bản đồ, đăng ký cấp GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các thửa đất không đủ điều kiện cấp đổi và chọn đơn vị thi công thực hiện công tác đo đạc, đăng ký cấp GCNQSDĐ phải bảo đảm thời gian, tiến độ theo kế hoạch” - ông Dương Văn Tuấn Kiệt nói.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Trương Thanh Liêm thông tin: “Từ năm 1997, tỉnh cơ bản hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ địa chính trên phạm vi toàn tỉnh. Ngành TN&MT tỉnh cùng với các địa phương luôn nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch trong việc cấp GCNQSDĐ”.

“Để đẩy mạnh việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn, Sở TN&MT tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn UBND các địa phương và chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc này. UBND cấp huyện chỉ đạo xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê đầy đủ, phân loại cụ thể, đối tượng để xác định rõ ràng trước khi cấp giấy và giao chỉ tiêu cụ thể. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đến các hộ dân để nâng cao nhận thức của họ. Cân đối, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách, dành tối thiểu 10% tổng số thu tiền SDĐ, tiền thuê đất để đầu tư đo đạc, đăng ký, cấp GCN. Với các giải pháp cụ thể, tin tưởng, thời gian tới, việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn sẽ được cải thiện và sớm hoàn thành theo kế hoạch” - ông Trương Thanh Liêm cho biết thêm./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết