Tiếng Việt | English

25/09/2016 - 15:27

Hà Tĩnh đón bằng Di sản tư liệu “Mộc bản Trường học Phúc Giang”

"Mộc bản trường học Phúc Giang" là kho sách của dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu, gắn liền với bề dày văn hóa truyền thống trên mảnh đất Hà Tĩnh.

Sáng 25/9, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tham dự buổi lễ có Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành trung ương; về phía UNESCO có bà Susan Vize - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam.


Đại diện tổ chức UNESCO trao bằng công nhận di sản "Mộc bản Trường học Phúc Giang" cho tỉnh Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng; Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Phát biểu mở đầu buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: “Kho tàng di sản văn hóa của Hà Tĩnh vô cùng phong phú và đa dạng, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có Mộc bản Trường học Phúc Giang. Điều này thể hiện ảnh hưởng và tầm quan trọng của nền giáo dục đối với đất nước và đời sống xã hội, nhất là trong đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam”.


Một số Mộc bản Trường học Phúc Giang được lưu giữ tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Từ việc đánh giá toàn bộ khối mộc bản, những nội dung cơ bản của mộc bản, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Ngoài các giá trị về hình thức và nội dung thông tin, mỗi mộc bản đã trải qua thời gian hơn 250 năm tồn tại, với bao biến cố đã trở thành những cổ vật vô giá, là nguồn tư liệu quý, duy nhất, minh chứng cho một hình thức hoạt động văn hóa và giáo dục của một dòng họ. Giá trị của mộc bản có sức lan tỏa không chỉ đối với trong nước mà cả các nước trong khu vực, có sức hấp dẫn lôi cuốn nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sự kiện có ý nghĩa quan trọng này là dịp để tri ân công lao của các bậc tiền nhân, tự hào về giá trị văn hóa – lịch sử mà người xưa để lại; đồng thời, giúp các thế hệ hôm nay nhận thức rõ hơn về trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn phương pháp và vật liệu để bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ cho mộc bản, xây dựng và triển khai quy hoạch làng văn hóa du lịch Trường Lưu, trong đó có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của mộc bản.


Mộc bản là những bản khắc (bằng gỗ cây thị đực) để in sách phục vụ cho việc dạy và học. Loại “sách” độc đáo này được hình thành từ giữa thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)

Trao bằng công nhận di sản mộc bản cho Hà Tĩnh, bà Susan Vize - Quyền trưởng Đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam chúc mừng chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là gia đình dòng họ Nguyễn Huy, đồng thời chia sẻ, khi xem và nghiên cứu các tư liệu trên mộc bản, tôi không thể không ngưỡng mộ sự sáng tạo thể hiện qua kỹ thuật khắc chữ trên mộc bản. Mỗi mộc bản là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tỉ mỉ, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ.

Các tư liệu được khắc trong bộ sưu tập độc đáo phản ánh lịch sử, chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, tư tưởng và sự tương tác giữa các dòng họ khác nhau. Các tư liệu được khắc bằng tay trên các bản gỗ, được bảo quản bởi dòng họ Nguyễn Huy, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và nay được giới thiệu tới người dân Việt Nam cũng như khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Bằng việc ghi danh Mộc bản trường học Phúc Giang trong Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, UNESCO cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy di sản cũng như sự chia sẻ các di sản này với cộng đồng quốc tế.


Bà Susan Vize - Quyền trưởng Đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam và các đại biểu cùng tìm hiểu về các mộc bản

Khẳng định giá trị của mộc bản cùng những nỗ lực bền bỉ của Hà Tĩnh trong việc bảo tồn di sản văn hóa, Đại sứ Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh tới công tác bảo tồn, quản lý, quảng bá và phát huy giá trị của di sản “Mộc bản Trường học Phúc Giang” ra ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để đến với thế giới.

Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã, đang và sẽ luôn sát cánh với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong các nỗ lực nhằm thực hiện cam kết với UNESCO và giữ gìn các di sản vô giá của dân tộc cho các thế hệ mai sau. Đại sứ cũng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân sở hữu các tư liệu di sản quý giá khác phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam để tìm cách vinh danh và giới thiệu với thế giới./.

Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn"

"Thời điểm làm hồ sơ xếp hạng đối với di tích nhà thờ Nguyễn Huy Tự, chúng tôi đã trông thấy mộc bản. Nói thật là, thời điểm ấy chúng tôi chỉ biết mộc bản chất thành đống trong nhà thờ chứ không hiểu thực chất là gì. Phải đến năm 2011, khi Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, một hậu duệ của dòng họ Nguyễn Huy làm đề tài nghiên cứu về làng văn hóa Trường Lưu thì mộc bản mới được quan tâm và chúng tôi bắt đầu công việc của mình từ đó.

Năm 2013, đề tài về làng văn hóa Trường Lưu hoàn thành, đến năm 2014 đề tài về mộc bản mới được chúng tôi xây dựng. Trong thời gian manh nha các công việc, cũng rất tình cờ, chúng tôi gặp các đại diện của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Tìm hiểu, đánh giá ban đầu về mộc bản, họ động viên chúng tôi làm hồ sơ để trình Chương trình ký ức thế giới. Từ đó, chúng tôi có động lực để tổ chức tập hợp, sắp xếp, biên dịch, số hóa...

Thành công ban đầu đó là vào tháng 3/2015 chúng tôi tổ chức thành công hội thảo về mộc bản để đến tháng 7/2015 bắt tay vào công việc làm hồ sơ. Theo yêu cầu, hồ sơ gồm lý lịch không quá 20 trang, một bộ phim không quá 8 phút, ảnh minh họa về giá trị của mộc bản. Phải nói rằng, quá trình làm hồ sơ, chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ phía các nhà nghiên cứu văn hóa tại Viện Văn học, Viện Hán Nôm, nếu không sẽ không tài nào hoàn thành được".

Theo Mạnh Hà - Giang Nam/Báo Hà Tĩnh/Ảnh: PV VOV

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích