Tiếng Việt | English

22/09/2018 - 14:46

Hai ba tháng chín, nhớ gậy tầm vông!

Trong thế giới tự nhiên bao la có muôn vàn loài cây, nhưng có lẽ chỉ có cây tre là gần gũi và thân thuộc nhất đối với con người. Từ bao đời nay, tre gắn bó và trở thành hình ảnh thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Người xưa ví von rằng: Cây tre không kiêu hãnh, cô độc như tùng bách cũng không kiêu sa như các loài hoa hương sắc; và tre không thấp, khiêm nhường như cỏ, loài tre mộc mạc, bình dị mà có sức sống mãnh liệt.

Các loại vũ khí giai đoạn đầu Nam bộ kháng chiến

Các loại vũ khí giai đoạn đầu Nam bộ kháng chiến

Nhắc đến cây tre, nhiều người dân Nam bộ không thể nào quên được hình ảnh cây gậy tầm vông hay chiếc nóp là những hiện vật lịch sử trong thời kỳ Nam bộ kháng chiến.

Theo sử sách ghi chép lại, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) không được bao lâu (chỉ vỏn vẹn có 21 ngày), thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Với một cuộc chiến không cân sức, vũ khí không hiện đại nhưng nhờ lòng dũng cảm, quân và dân ta vẫn hăng hái chiến đấu. Từ thành thị đến nông thôn, những đoàn quân giáo, nóp, gậy tầm vông rầm rập kéo đi trong khí thế “Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không/Mà lòng người giàu lòng vì nước/... Thề quyết thắng quân ngoại xâm!/...” (trích lời bài hát Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn), đưa hình ảnh ngọn tầm vông, chiếc nóp đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược như một trong những biểu tượng về tinh thần quyết chiến của quân, dân Chợ Lớn và Nam bộ nói chung.

Cây tầm vông thường mọc ở những vùng đất khô cằn và có khả năng chịu hạn. Loài tầm vông thân “gầy guộc” ấy, ít ai nghĩ nó lại là vũ khí hữu dụng trong những ngày gian khổ chống quân xâm lược. Tầm vông sau khi được chặt về, quân ta phân ra từng đoạn. Sau đó hơ lửa uốn cho thật thẳng, gọt thật trơn, vạt nhọn, nó sẽ trở nên sắc bén. Hàng ngày, chiếc gậy này được đem ra bãi tập. Có thể nói, gậy tầm vông - một thứ vũ khí ra đời bởi lòng yêu nước. Mọi người theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Có súng dùng súng, có gươm dùng gươm. Ai không có súng, gươm thì dùng gậy gộc mà giết giặc, cứu nước...”.

Thuở ấy, ta không có nhiều súng; gươm và mã tấu cũng chẳng bao nhiêu; giáo, tầm vông thật sự là vũ khí quan trọng. Nó làm cho quân địch khiếp sợ, nhất là trong những trận bị quân ta phục kích, đánh giáp lá cà. Có không ít chiến sĩ lập được chiến công bằng ngọn tầm vông vạt nhọn. Đây cũng là một cách đánh địch sáng tạo được quân ta kế thừa và phát huy trong truyền thống chống giặc ngoại xâm. Xưa, dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền, ông cha ta dùng những cây gỗ to vạt nhọn làm cọc và lợi dụng thủy triều trên sông Bạch Đằng để chiến thắng quân Nam Hán. Hay như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sử dụng ngòi bút mềm mại của mình để chống giặc “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Cây tầm vông vốn bình dị ấy gắn liền cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của quân, dân ta. Sau này, dù lực lượng vũ trang có được trang bị các loại vũ khí hiện đại thì chiếc gậy tầm vông vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc. Qua đây, có thể đúc kết được bài học kinh nghiệm quý giá về việc lấy vũ khí thô sơ chống hiện đại của dân tộc ta.

Biểu tượng 3 ngọn tầm vông vạt nhọn còn lưu giữ tại Tân An cho đến ngày nay

Biểu tượng 3 ngọn tầm vông vạt nhọn còn lưu giữ tại Tân An cho đến ngày nay

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội và quá trình đô thị hóa, hình ảnh những bụi tầm vông năm nào không còn nhiều. Tuy vậy, tỉnh cũng quan tâm đến việc quy hoạch, hỗ trợ vùng đất trồng tre để làm nguyên liệu phục vụ các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như đan lát, bàn ghế, giường, giỏ đựng trái cây, bình hoa, tranh tre,... vừa tạo việc làm cho những làng nghề cũng như giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Chung cho biết, ngày nay, các mô hình của hội có sử dụng tre làm nguyên liệu nhưng không nhiều. Đó là mô hình đan cần xé tại xã An Ninh Đông, Tân Mỹ đan rổ rá, Lộc Giang chằm nón lá,...

Bao mùa thu trôi qua, hình ảnh chiếc gậy tầm vông, giáo, gươm hay những chiếc nóp, radio,... vẫn được giữ gìn cẩn thận tại Bảo tàng tỉnh và Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là một minh chứng sống động về những hiện vật lịch sử mà khi nhắc đến, trong mỗi chúng ta đều dâng lên niềm tự hào, kiêu hãnh về thời kỳ đấu tranh giữ nước oai hùng của dân tộc./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết