Tiếng Việt | English

19/11/2016 - 11:58

Hai nửa sẻ chia

Phương bần thần, ném ánh mắt vào vô định, cô muốn khóc nhưng mắt cứ ráo hoảnh. Không biết Phương ngồi đó từ bao giờ, hình như từ lúc chiếc xe hơi ấy rời khỏi nhà cô, Phương cứ thừ ra, không suy nghĩ được gì hơn. Tiếng chuông điện thoại kéo Phương về thực tại, giọng thằng Toàn: “Má ra phòng hồi sức rồi hai. Má khỏe, hai an tâm nha!”.

Phương mệt mỏi ngước mắt nhìn đồng hồ - 12 giờ, cô khẽ mở cửa phòng, ngoại vẫn ngủ yên, chắc nhờ liều thuốc giảm đau đầu hôm nên đêm nay, ngoại tròn giấc. Kéo chiếc ghế ra sân, Phương thả mình vào khoảng không tĩnh lặng nhưng lòng cô nào có tĩnh. Bao nhiêu chuyện xảy đến cùng một lúc khiến Phương rối bời.

Minh họa: Thiện Mỹ

Ngoại bị tai biến đến nay còn nằm một chỗ lại thêm cơn đau khớp, đau tim như muốn đánh gục người bà vốn gầy yếu, xanh xao của cô. Ngoại còn chưa qua cơn nguy hiểm thì má cô đột ngột nhập viện. Bác sĩ nói má có khối u đại tràng phải mổ gấp.

Thằng Toàn lật đật lên thành phố với má, Phương ở lại chăm sóc ngoại. Cực khổ thì không ngại, ngặt nỗi, chị em Phương không thể xoay sở lo chi phí mổ cho má. Tiền dành dụm của gia đình vừa đổ hết vào trị bệnh cho ngoại, giờ lấy đâu lo cho má.

May mà dì Tư “chạy” được tiền đóng viện phí gấp. Số tiền này dì mượn đỡ của bạn hàng, bạn bè thân quen nên người ta cho dì mượn 2 tuần, chứ tiền làm ăn đâu ai để lâu. Thế cũng là mừng lắm rồi!

... Nhà có hai chị em. Ba Phương mất trong một vụ tai nạn giao thông lúc thằng Toàn mới 5 tuổi. Ba nhậu say, đâm vào một phụ nữ đi cùng chiều, cô ấy mất, ba cũng mất sau hơn một tháng nằm viện chống chọi với tử thần.

Nhà Phương nghèo, nhà cô ấy còn nghèo hơn. Cả gia đình chui rúc trong căn nhà chưa đếm 30m2 nằm sâu trong hẻm. Cô ấy mất, hai đứa con nhỏ bơ vơ. Chồng cô suốt ngày lăn lộn với mấy chuyến xe ôm cũng không đủ tiền lo cho con. Rồi tụi nó nghỉ học, má nhất quyết không cho. Trong cơn nóng giận, ông ấy hét lên “Chứ giờ tui phải làm sao? Tại chồng chị hết, sau xỉn chi mang họa cho người khác!”.

Má cắn chặt môi như để ngăn dòng nước mắt rồi quả quyết với ông “Để tui tính, nhất định không để hai đứa nhỏ nghỉ học!”. Má tính... rồi làm thiệt. Má kêu bán căn nhà, dắt hai chị em Phương về ở với ngoại. Tiền bán nhà, má chia làm đôi, gửi thành hai cuốn sổ tiết kiệm, một cuốn má để dành cho chị em Phương, một cuốn má đưa ông ấy lo cho hai đứa nhỏ.

Má bắt ông ấy phải hứa, số tiền này chỉ để lo việc học cho tụi nhỏ, không được lấy ra ăn xài vì đây là điều cuối cùng má có thể làm vì gia đình ông ấy. Vậy cũng ổn, từ ngày có số tiền đó, ông rút tiền lãi lo việc học cho con, còn hàng ngày, ông vẫn lăn lộn đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống của ba con người chẳng may mất đi người thân.

Về ở với ngoại, má thuê cái sạp ngoài chợ bán rau cải cũng đủ chi phí cho cả nhà. Hôm nào nhà có đồ ăn ngon, má cũng kêu Phương hay thằng Toàn đem qua nhà bên đó. Tội nghiệp, hai đứa nhỏ mến má. Lâu lâu, được nghỉ học, tụi nó lại đòi ba chở qua nhà chơi với má. Nó nói, má giống mẹ nó. Mà cũng phải thôi, tất cả người mẹ trên đời này đều giống nhau, giống ở chỗ lo cho con và luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.

Phương tốt nghiệp, được nhận vào dạy ở một trường gần nhà, khỏi nói là má mừng biết chừng nào. Ngày đầu tiên đến lớp, nhìn Phương thướt tha trong tà áo dài, má cứ xuýt xoa, rồi má lại thắp nhang cho ba, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Phương đi dạy, thằng Toàn cũng sắp xong đại học. Cứ ngỡ cuộc sống bình yên lại trở về bên gia đình Phương, nào ngờ...

***

Sáng hôm qua, cô hiệu trưởng báo có phụ huynh cần gặp Phương nên dù không có tiết dạy, Phương vẫn đến trường. Trước mặt Phương là hai người lịch lãm, sang trọng. Người vợ đề cập thẳng:

- Tôi muốn thằng Nam được thi tốt nghiệp!

- Nhưng em ấy học yếu môn Toán, không đủ điểm trung bình để dự thi, tôi nghĩ ông bà có thể động viên Nam học lại một năm nữa, tôi sẽ cố gắng rèn em ấy tốt hơn.

- Tôi muốn con tôi tốt nghiệp năm nay! Chúng tôi sẽ cho cháu đi du học.

- Dạ, không được, sức học của Nam rất yếu, nếu dự thi, chắc em ấy không qua được.

- Việc đó của gia đình tôi, cô chỉ cần làm sao cho thằng nhỏ đủ điều kiện dự thi.

Nam là học trò lớp Phương chủ nhiệm. Cô cũng là người dạy Toán cho Nam. Nam hiền, ngoan nhưng sức học lại rất yếu. Năm nay, lớp cô chủ nhiệm chỉ có mỗi mình Nam không đủ điều kiện dự thi. Nam sống với bà nội, mỗi lần đi họp phụ huynh, bà cứ nắm tay Phương: “Cô nhớ để mắt giùm thằng Nam, ba mẹ nó bận làm ăn nên ít quan tâm đến nó, tui thì già cả, mong cô giúp cháu nó!”. Tối nay, ba mẹ Nam đến nhà Phương, ông bà để lên bàn gói giấy “Đây là 50 triệu, mong cô giúp thằng Nam đủ điểm để dự thi”. Ông bà ấy về, Phương mang tiền ra tận xe trả lại nhưng bà đóng nhanh cửa xe rồi lao vút đi.

50 triệu đồng có thể giúp Phương trả bớt nợ cho dì Tư. Với gia đình cô, 50 triệu đồng bây giờ là quá lớn. Việc sửa điểm cho Nam cũng không quá khó đối với Phương. Không được, Phương không thể làm thế! Nghề giáo không cho phép cô đưa ra xã hội những “sản phẩm” chưa hoàn thiện.

Đó chẳng phải là bài học Phương được học trong nhà trường sư phạm hay sao? Nam chưa đạt kết quả tốt, Phương sẽ giúp em nhưng giúp để Nam có thể tự đi trên đôi chân của mình chứ không phải giúp bằng cách sửa điểm. Rồi Nam sẽ khá hơn, cô tin mình làm được.

Phương đem gói tiền vào trường và mời ba mẹ Nam vào nhận lại. Cô quả quyết sẽ hỗ trợ và giúp Nam đủ điều kiện dự thi vào năm sau, còn năm nay, Nam phải rèn luyện thêm. Trước sự cương quyết của Phương, cô hiệu trưởng khẽ mỉm cười...

***

Chiều! ông ấy chở hai đứa nhỏ qua thăm ngoại. Vẫn cái áo sờn vai, vẫn chiếc xe cà tàng, ông mỉm cười, nụ cười hồn hậu đến lạ. Ông vào trò chuyện với ngoại, kể cho ngoại nghe chuyện sáng nay gặp người khách “boa” 30 ngàn đồng mặc dù cuốc xe ôm có 20 ngàn. Người ngoài nhìn vào chắc nghĩ ông là con của ngoại bởi cách hỏi thăm, sự ân cần của ông.

Trước khi về, ông gọi Phương ra sân rồi dúi vào tay cô quyển sổ tiết kiệm “Cầm mà lo cho má con đi, cũng nhờ số tiền này mà gia đình chú ổn hơn trước, nay con cần thì cứ lấy mà xài, nếu sau này có dư thì phụ chú chút ít lo cho hai đứa nhỏ, còn không cũng không sao. Hai đứa nhỏ được như ngày hôm nay cũng là nhờ má con”.

Phương rưng rưng nước mắt, cô không biết phải nói gì nữa. Ông vỗ vỗ tay Phương như chắt chiu lấy yêu thương và cô cũng mở lòng nhận lấy. Sau bao mất mát, gia đình cô và gia đình ông, hai nửa cuộc đời như tìm thấy được sự an ủi, sẻ chia./.

Ngọc Thanh 

Chia sẻ bài viết