Tiếng Việt | English

12/10/2017 - 16:36

Hải sản Việt Nam "lo lắng" vì luật mới của Mỹ sắp có hiệu lực

Chỉ hơn 2 tháng nữa, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ sẽ bắt đầu có hiệu lực, điều này khiến cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản vào Hoa Kỳ lo lắng.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chỉ hơn 2 tháng nữa, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Điều này đang khiến cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản vào Hoa Kỳ lo lắng khi thời gian chuẩn bị thực hiện không còn nhiều.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa hiểu rõ những yêu cầu, quy định của chương trình giám sát này.

13 loài thủy hải sản bị giám sát nhập khẩu

Tại Hội thảo về Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/10, nhiều vấn đề liên quan đến SIMP đã được đại diện NOAA trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp.

SIMP được NOAA đưa ra quy định cuối cùng vào ngày 9/12/2016. Đây là giai đoạn đầu tiên của chương trình truy xuất nguồn gốc dựa trên các rủi ro, yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu thập để cung cấp và báo cáo các dữ liệu quan trọng từ khi khai thác đến khi đưa vào thị trường Mỹ.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, Mỹ sẽ tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản, bao gồm cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, cua, tôm, bào ngư, hải sâm, cá tuyết nhập khẩu vào nước này (riêng bào ngư và tôm sẽ được áp dụng sau).

Đây là các loài hải sản ưu tiên của SIMP nhằm chống lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại thủy sản.

Bà Heather Brandon, chuyên gia của NOAA cho biết, nội dung chủ yếu của SIMP là đưa ra các yêu cầu đối với việc cấp phép, báo cáo và ghi chép số liệu cho việc nhập khẩu một số sản phẩm cá và hải sản nằm trong danh sách ưu tiên và được xác định là dễ bị ảnh hưởng bởi đánh bắt bất hợp pháp IUU hoặc gian lận hải sản.

Theo bà Heather Brandon, có 2 loại thông tin truy xuất nguồn gốc mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Đó là thông tin thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo qua hệ thống điện tử vào thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống số liệu thương mại quốc tế.

Đồng thời, hồ sơ lưu về chuỗi lưu giữ, các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm được đưa vào Hoa Kỳ phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong thời hạn 2 năm và cơ quan kiểm toán có thể yêu cầu trình xuất.

Ông Michael Abbey, đại diện của NOAA cũng cho biết, những nội dung thông tin trên doanh nghiệp phải khai báo trước khi thông quan. Trường hợp cung cấp đầy đủ, sẽ được thông quan, tuy nhiên khi hàng đã thông quan rồi nhưng NOAA nghi ngờ có gian lận thì sẽ tiến hành thanh kiểm tra và có chế tài xử phạt cụ thể các lô hàng.

“Các quy định của SIMP được thiết lập không phải là tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp hay ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa Mỹ với các nước mà mục đích chính là chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp và gian lận thương mại,” ông Michael Abbey giải thích thêm.

Doanh nghiệp lo lắng

Như vậy, sau EU, đây là thị trường nhập khẩu thủy hải sản thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu, nhằm chống lại khai thác IUU.

Đây là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới hiện nay, ước tính quy mô thị trường thủy hải sản của Hoa Kỳ trị giá khoảng 96 tỷ USD.

Hàng năm, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 1,5 tỷ USD, riêng các mặt hàng hải sản đã là 350-400 triệu USD. Do vậy, với những yêu cầu mới này, nhiều doanh nghiệp đang khá lo lắng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản của VASEP, khác với quy định về chống IUU của EU, chương trình SIMP của Mỹ chỉ áp dụng đối với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các yêu cầu này vẫn phải xuất phát từ các nhà xuất khẩu, trong trường hợp có sự cố, chắc chắn sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường này. 


Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty thuỷ sản Bình An, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dưới góc độ của doanh nghiệp, bà Sắc cho rằng, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thời gian để chuẩn bị đáp ứng của quy định của SIMP không nhiều. Trong khi đó, hệ thống báo cáo lại khá mới, có nhiều yêu cầu và chi tiết hơn, các doanh nghiệp phải lệ thuộc vào thông tin tàu thuyền từ cơ quan Nhà nước.

Tuy vậy, hệ thống tàu thuyền khai thác thủy hải sản hiện nay ở Việt Nam chủ yếu có công suất nhỏ nên rất khó tập hợp, lấy thông tin cũng như báo cáo. Do vậy, nhiều khả năng doanh số xuất khẩu hải sản của các doanh nghiệp vào thị trường Mỹ sẽ bị sụt giảm khi SIMP có hiệu lực.

Nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng, với khối lượng công việc rất lớn trong SIMP, liên đới từ tàu thuyền, nhà xưởng cho đến các cơ quan Nhà nước, việc chỉ còn hơn 2 tháng nữa để thực hiện sẽ gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chỉ chế biến liên quan đến một loài thủy hải sản, không sao, nhưng trên thực tế có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhiều loài cùng lúc thì khi thực hiện sẽ rất khó khăn.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại khi chưa nắm rõ các yêu cầu của SIMP, cũng như lo lắng khi có quá nhiều chương trình giám sát sản phẩm nhập khẩu đang được phía Mỹ áp dụng hiện nay.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trước những quy định của SIMP, các doanh nghiệp không nên quá lo lắng mà nên làm việc trực tiếp với các đối tác nhập khẩu và cung cấp những nội dung thông tin họ cần.

Trong trường hợp những nội dung phía đối tác đưa ra vượt quá năng lực của doanh nghiệp, cần báo cáo với VASEP để có hướng xử lý kịp thời để không bị gián đoạn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Trước những quy định mới của thị trường liên quan đến vấn đề IUU, cộng đồng doanh nghiệp hải sản đang thể hiện sự quyết tâm khi tham gia vào chương trình cam kết chống khai thác IUU do VASEP đề xướng.

Tính đến đầu tháng 10​ này, đã có 59 doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết