Tiếng Việt | English

01/11/2019 - 19:39

Hàn Quốc phát hiện vị trí máy bay trực thăng bị rơi trên biển

Một quan chức cho biết ba thợ lặn đã phát hiện vị trí máy bay gặp nạn khi đang tìm kiếm trong khu vực cách quần đảo Dokdo 600m về phía Nam, ở độ sâu 72m dưới mặt nước biển.

Thợ lặn Hàn Quốc tham gia tìm kiếm máy bay trực thăng bị rơi ngày 1/11/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Thợ lặn Hàn Quốc tham gia tìm kiếm máy bay trực thăng bị rơi ngày 1/11/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

14 giờ sau khi chiến dịch tìm kiếm bắt đầu, Hàn Quốc đã xác định được vị trí của chiếc máy bay trực thăng bị rơi ở vùng biển gần quần đảo Dokdo ở Biển Nhật Bản, mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Takeshima.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/11 tổ chức tại Văn phòng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc ở thành phố Donghae, một quan chức lực lượng này cho biết ba thợ lặn đã phát hiện vị trí máy bay gặp nạn khi đang tìm kiếm trong khu vực cách quần đảo Dokdo 600m về phía Nam, ở độ sâu 72m dưới mặt nước biển.

Quan chức trên khẳng định sẽ tập trung tìm kiếm xa hơn và xúc tiến hoạt động cứu hộ, đồng thời cho biết tàu cứu hộ Cheonghaejin và một tàu ngầm sẽ sớm được điều tới hiện trường để tham gia công tác tìm kiếm.

Trước đó, tối 31/10 (giờ địa phương), một trực thăng chở bảy người đã rơi xuống vùng biển gần quần đảo Dokdo/Takeshima chỉ vài phút sau khi cất cánh từ quần đảo này. Bảy người trên máy bay gồm một ngư dân bị thương cùng với một người bạn và năm nhân viên cứu hộ. Tất cả đều là công dân Hàn Quốc.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã yêu cầu các bộ liên quan nỗ lực tối đa để kịp thời cứu được những người sống sót và tìm kiếm những người khác còn mất tích.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quôc, Ko Min-jung cho biết Tổng thống Moon Jae-in đã yêu cầu tiến hành điều tra về mức độ an toàn của mẫu trực thăng bị nạn.

Trong khi đó, Cơ quan Cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc cho biết chiếc trực thăng này thuộc thế hệ trực thăng vận tải hành khách tầm xa EC-225 Super Puma do hãng Eurocopter sản xuất năm 2016 và được lực lượng này sử dụng chủ yếu phục vụ cứu nạn và dập lửa. Cả hai phi công điều khiển chiếc trực thăng xấu số đều có ít nhất 17 năm kinh nghiệm trong lái máy bay quân sự và dân sự.

Chiếc trực thăng bị nạn có cùng mẫu thiết kế với một chiếc khác bị rơi ở ngoài khơi bờ biển Na Uy hồi tháng 4/2016. Kết quả điều tra sau đó cho thấy các cánh quạt chính của trực thăng này bị bung khỏi thân máy bay dẫn tới vụ tai nạn làm toàn bộ 13 người trên máy bay thiệt mạng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết