Tiếng Việt | English

17/10/2015 - 12:58

Hàng Việt vẫn gặp khó trên thị trường Hàn Quốc

Cuối năm 2015, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc sẽ có hiệu lực. Đón đầu sự kiện này, hàng loạt doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đã và đang ồ ạt đầu tư cũng như tăng cường sự hiện diện các sản phẩm của Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.

Về phía DN Việt, sự chuyển động còn chậm trong việc tận dụng lợi thế từ hiệp định này mang lại. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị “Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, cơ hội hay thách thức”, do Bộ Công thương tổ chức ngày 15-10 tại TPHCM.

Nhập siêu vẫn chiếm tỷ trọng lớn

So với năm 2007, hiện nay kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp 4 lần. 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đạt 27 tỷ USD, tăng 31% so cùng kỳ năm 2014. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều của hai nước sẽ cán mốc 30 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, điều đáng nói là cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước đang chênh lệch đáng kể. Theo đó, Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới 18,7 tỷ USD. Thực tế này cho thấy, DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt lợi thế đang có để tăng cường sự hiện diện sản phẩm của mình tại thị trường Hàn Quốc.


Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu giày dép, dệt may... sang Hàn Quốc. Ảnh: Cao Thăng

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết thêm, hiện trung bình mỗi năm Hàn Quốc nhập khẩu 600 tỷ USD. 2/3 trong tổng chi phí nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất, 1/3 còn lại là sản phẩm tiêu dùng. Thế nhưng, sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% thị phần tại Hàn Quốc. Đơn cử, với một số mặt hàng được xem là chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, Hàn Quốc đã cấp hạn ngạch thuế xuất khẩu ưu đãi xuống 0% cho 10.000 tấn thủy sản/năm, sau 5 năm sẽ tăng lên 15.000 tấn/năm cho DN Việt Nam. Nhưng đến nay, các DN nước ta chỉ mới có thể cung ứng 2.500 tấn/năm. Tương tự, với mặt hàng nông sản, Hàn Quốc đã tăng thị phần nhập khẩu sản phẩm nông sản Việt Nam lên 10% - 12%, (trước đây chỉ khoảng 2%), nhưng khả năng cung ứng của DN nội còn rất hạn chế… Đặc biệt, một số sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang - mặt hàng vốn được xem là sản phẩm nhạy cảm và được Hàn Quốc bảo hộ rất cao - nhưng nay cũng đã mở cửa thị trường này đối với hàng Việt, chỉ tiếc là số DN có khả năng cung ứng chưa nhiều… Điều đáng lo ngại, nếu thực tế này không được cải thiện trong thời gian tới thì sự chênh lệch trong cán cân thương mại cao hơn theo hướng Việt Nam nhập siêu nhiều hơn từ Hàn Quốc, khi kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa hai nước được nâng lên 70 tỷ USD vào năm 2020.

Cần tăng cường quảng bá sản phẩm quốc gia

Tận dụng tối đa lợi thế từ Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc là giải pháp rất quan trọng, nhằm rút ngắn chênh lệch trong cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước. Trước hết, những sản phẩm được xem là chủ lực để Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu là các mặt hàng dệt may, giày dép, hàng tiêu dùng cao cấp, hàng gia dụng, thực phẩm chế biến và nguyên vật liệu tự nhiên. Hiệp định thương mại đã tạo cơ hội cho các DN nội hoạt động trong lĩnh vực này được tiếp cận đa dạng nguồn nguyên liệu cung ứng sản xuất với giá thành thấp hơn trước đây, nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu. Hệ thống pháp lý thuận lợi cho phép DN tiếp cận thị trường thuận lợi, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, vấn đề của DN Việt là gì? Theo ông Lê An Hải, thách thức lớn nhất của DN nội là phải chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa. Mặt khác, hơn 90% DN nội có quy mô vừa và nhỏ nên cần tạo sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua hiệp hội ngành nghề, để trao đổi thông tin cam kết hội nhập. Từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là chủ động hơn trong ứng phó với đối thủ cạnh tranh. Một yếu tố quan trọng khác mà các DN Việt Nam cần phải nắm bắt và nỗ lực vượt qua để đưa hàng vào thị trường Hàn Quốc, đó chính là tâm lý. Trước hết, yếu tố tâm lý ngại sử dụng hàng Việt của người dân Hàn Quốc. Kế đến, nhiều DN nhập khẩu của Hàn Quốc thường có tâm lý chỉ ưu tiên nhập sản phẩm của các DN Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi từ khâu quảng bá, xây dựng niềm tin thương hiệu quốc gia và chất lượng sản phẩm Việt phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như tiêu chuẩn hàng hóa của thị trường Hàn Quốc.

Bộ Công thương cho biết, để tập trung tháo gỡ những khó khăn cho DN, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu nói chung, trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, DN xuất khẩu để tháo gỡ những khó khăn, tăng cường xuất khẩu nông sản, thủy sản. Mặt khác, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; từ đó, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để tháo gỡ các rào cản. Bộ cũng sẽ phối hợp với các bên liên quan để đẩy mạnh đàm phán thừa nhận lẫn nhau chất lượng sản phẩm, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa Việt Nam và các nước nói chung./.

Nguồn: SGGP

 

Chia sẻ bài viết