Tiếng Việt | English

20/05/2020 - 09:02

Hạnh phúc và trách nhiệm

Ngày 28-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó có nội dung: “Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi,...”.

Có nhiều ý kiến về vấn đề này, đa số là đồng tình, ủng hộ khuyến khích của Chính phủ. Ai cũng biết rằng đây là độ tuổi đẹp nhất, vừa đủ chín chắn để quyết định việc hệ trọng của đời mình. Ông bà có dạy:

“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà

Cả 3 việc đó thật là khó thay”

Con trâu là cơ nghiệp của người nông dân, “tậu trâu” chính là tạo dựng sự nghiệp. Sau khi có được sự nghiệp mới tính đến chuyện “cưới vợ” và “làm nhà”. Vậy 30 tuổi đã tạo dựng được sự nghiệp để “cưới vợ” chưa? Bình thường, một người 22 tuổi tốt nghiệp đại học và đến năm 30 tuổi, có 8 năm kinh nghiệm làm việc. 8 năm đó chưa phải là khoảng thời gian để tạo được sự nghiệp vững chắc nhưng chắc chắn đã tích lũy được một khoản tài chính, kinh nghiệm sống và kỹ năng làm việc. Nếu theo con đường học nghề, đã có đến hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc. Đây cũng là lúc tình cảm ở độ tuổi “chín muồi” và các bạn trẻ đủ chín chắn để thực hiện việc trọng đại thứ hai của đời người - “cưới vợ”.

Về góc độ sinh học, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Ở tuổi này, khi phụ nữ mang thai và sinh con ít gặp tai biến sản khoa và bệnh lý thai kỳ hơn. Qua tuổi 35, bên cạnh khả năng thụ thai thấp hơn, phụ nữ còn đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp, dọa sảy thai…, nhất là nguy cơ trẻ được sinh ra chậm phát triển, dễ dẫn đến hội chứng Down, Edwards,… Theo các nghiên cứu về y tế, người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30. Việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35 nhằm bảo đảm sức khỏe của mẹ và bé, nâng cao chất lượng dân số, góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp.

Nhằm duy trì chất lượng dân số, một số nước trên thế giới đưa ra những chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con. Nhật Bản tặng tiền cho người sinh con cũng như các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ, nhà ở, y tế và giáo dục, đồng thời buộc người chồng phải nghỉ phép 1 tháng để chăm sóc vợ. Tại Hàn Quốc, thông qua chương trình trợ cấp nhà nước, các cặp vợ chồng sắp có em bé có thể nhận 500.000 won (420 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh và khoản trợ cấp 107.000 won (89,90 USD)/tháng dành cho phụ nữ nuôi con dưới 5 tuổi. Tại Đức và nhiều nước châu Âu tặng tiền và áp dụng các chính sách hỗ trợ bà mẹ và trẻ em.

Có một số ý kiến cho rằng, 30 tuổi còn khá sớm để kết hôn vì còn dành thời gian để “tự do bay nhảy”, thế thì “tự do” đến bao giờ là đủ? Và kết hôn có phải là khép lại “tự do”? Hãy thử nghĩ xem, vào độ tuổi này đang một mình “đi trên đường”, vậy thì khi tình yêu đã đủ “chín”, sao không gắn kết hạnh phúc để có người đồng hành trên “đoạn đường” ấy. Hôn nhân không phải là khép lại “tự do” mà mở ra một trạng thái “tự do” mới mà thôi! Thế nhưng, cũng không phải vì trách nhiệm mà vội vã kết hôn trước tuổi 30 khi tình cảm chưa đủ lớn và hạnh phúc chưa đủ bền.

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam không có quy định nào về việc sẽ phạt tiền người kết hôn muộn. Thế nên, không ai buộc phải lựa chọn vì trách nhiệm hay hạnh phúc mà khi đã gặp được người phù hợp và tình cảm đã đủ gắn kết thì hãy kết hôn trước 30 tuổi./.

Anh Túc

Chia sẻ bài viết