Tiếng Việt | English

28/05/2016 - 05:26

Hãy cho trẻ bữa ăn giàu dinh dưỡng và an toàn

Dinh dưỡng trong những năm đầu đời là vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất của trẻ nhỏ. Để bạn đọc có thêm kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ, chúng tôi có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Thạc sĩ, bác sĩ Võ Thị Định về chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, một bữa ăn cho trẻ như thế nào được gọi là giàu dinh dưỡng?

- Bác sĩ Võ Thị Định: Như chúng ta biết, bữa ăn hàng ngày rất quan trọng, vì nó cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể sống, phát triển, khỏe mạnh và làm việc. Bữa ăn giàu dinh dưỡng là bữa ăn bảo đảm đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là cho trẻ nhỏ.

Thứ nhất, bữa ăn đó phải đủ và cân đối 4 nhóm thực phẩm: Nhóm chất tinh bột (gạo, bắp, khoai, mì,…); nhóm chất đạm (thịt, trứng, cá, sữa, các loại đậu,…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ,…), nhóm vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây chín.

Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng  Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thứ hai, phụ huynh cần phối hợp giữa thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật trong chế biến bữa ăn cho trẻ.

Thứ ba, nên phối hợp nhiều loại thực phẩm. Trong điều kiện có thể, nên phối hợp từ 10-15 loại của 4 nhóm thực phẩm. Ăn 3 bữa ăn trong ngày (sáng, trưa, tối). Phải xem bữa ăn sáng là bữa ăn chính, không qua loa đại khái, nhất là đối với trẻ nhỏ. Thường xuyên thay đổi món ăn để giúp cho trẻ ăn ngon miệng và đủ chất.
Thứ tư, không nên để mất vitamin và khoáng chất trong rau, củ trong quá trình chế biến. Vì vậy rau củ cần mua và sử dụng ngay trong ngày, chỉ thái rau, củ sau khi rửa sạch và ngay trước khi nấu, không nấu quá lâu trên bếp.

PV: Một bữa ăn cho trẻ như thế nào được gọi là an toàn, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Võ Thị Định: Thực phẩm cũng có thể là nguồn gây bệnh. Để có một bữa ăn an toàn cho trẻ, phụ huynh cần chú ý:

Thứ nhất, các loại rau, quả trước khi chế biến phải còn nguyên vẹn, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không có màu sắc, mùi vị lạ. Thịt, các loại hải sản còn tươi không bị ươn. Các loại gạo, đậu không bị ẩm mốc.

Thứ hai, không để thực phẩm đã nấu chín tiếp xúc với thực phẩm sống. Sử dụng thớt riêng cho thực phẩm sống và chín.

Thứ ba, thức ăn nên sử dụng ngay sau khi nấu chín, nếu chưa dùng cần được đậy kín, nhưng không quá 2 giờ. Sau 2 giờ nếu vẫn chưa sử dụng cần phải hâm lại hoặc bảo quản bằng tủ lạnh. Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như chuối, cam, dưa và các loại quả khác cần ăn ngay khi vừa bóc vỏ hay cắt ra.

Thứ tư, rửa ray bằng xà bông và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không dùng tay bốc thức ăn.
Thứ năm, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ sẽ là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn nhất. Vì vậy, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục bú đến 24 tháng.

Tóm lại, các bậc phụ huynh cần cho trẻ bữa ăn giàu dinh dưỡng và an toàn để các bé có thể phát triển toàn diện.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết