Tiếng Việt | English

01/12/2016 - 09:19

Hãy chung tay phòng, chống HIV/AIDS

Ngành Y tế các địa phương trong tỉnh Long An luôn xem công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng và ổn định trật tự, an toàn xã hội; tạo tiền đề phát triển địa phương, đất nước theo hướng bền vững.


Cán bộ y tế kiểm tra sức khoẻ cho người nghiện ma tuý

Hiệu quả công tác truyền thông

Đức Hòa là một trong những huyện công nghiệp, giáp ranh TP.HCM nên có số người nhiễm HIV cao (689 ca, tính từ tháng 8/1993 đến 9/2016). Vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS được ngành Y tế phối hợp chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện. Y sĩ Trần Văn Tụng - cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa cho biết:

“Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, truyền thông giáo dục sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Toàn huyện có trên 70% xã, thị trấn có câu lạc bộ (CLB) phòng, chống HIV/AIDS do các ngành, đoàn thể thành lập. Cán bộ y tế xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức vãng gia đến từng hộ gia đình giải thích về tác hại của việc sử dụng ma túy. Đồng thời, vận động người nghiện ma túy không sử dụng chung bơm kim tiêm và uống Methadone; vận động người bị nhiễm HIV đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị ARV. Hình thức tuyên truyền còn được thực hiện thông qua hệ thống loa, đài ở các ấp”.

Là huyện có số người nhiễm HIV không cao nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS được ngành Y tế huyện Vĩnh Hưng đặt lên hàng đầu. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng - bác sĩ Trần Thị Ngọc Mai cho biết: “Ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu huyện và các xã, thị trấn luôn chú trọng công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu được tác hại của HIV/AIDS và chung tay phòng, chống. Toàn huyện có 7 xã, thị trấn thành lập CLB phòng, chống HIV/AIDS. Do làm tốt công tác truyền thông nên người dân trong huyện không còn tỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS. Đến nay, huyện quản lý 18 trường hợp nhiễm HIV”.


Người bệnh uống Methadone

"Việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch này vẫn đang là thách thức lớn, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và ngành Y tế, cần sự tự giác của mọi người dân trong xây dựng cộng đồng xã hội không có HIV/AIDS."

Thông qua công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, bệnh nhân nâng cao nhận thức và phối hợp ngành Y tế trong điều trị bệnh. Điển hình như chị T.T.C., SN 1971, ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng. Chị C. là người chẳng may bị lây HIV từ chồng. Gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo của xã, khó khăn chồng chất khó khăn khi phải mang theo căn bệnh thế kỷ suốt cuộc đời.

Chị C. chia sẻ: “Năm 2003, khi biết mình nhiễm HIV, tôi buồn lắm, gần như mất phương hướng, nhưng vì các con, tôi cố gắng duy trì sự sống bằng cách mỗi tháng đến Bệnh viện Đa khoa Long An để được chăm sóc và điều trị ARV đúng theo lời khuyên và phác đồ của bác sĩ. Vì vậy, sức khỏe tôi luôn ổn định. Thời gian qua, có nhiều người đến nhà hoặc gọi điện thoại nhờ tôi tư vấn, tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn. Tôi mong rằng, những ai chẳng may nhiễm HIV không nên mặc cảm, tự ti mà hãy luôn nghĩ đến sức khỏe, sự sống của mình, hãy phối hợp ngành Y tế để được tư vấn, hướng dẫn điều trị kịp thời”.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Phó Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Tuyên cho biết: “Là người phụ trách quản lý bệnh xã hội thì phải luôn có cái tâm. Thông thường, người nhiễm HIV/AIDS hay mặc cảm, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và không chấp nhận sự thật. Vì vậy, trong quá trình tư vấn, vãng gia, phải thân thiện, nhiệt tình với người bị nhiễm nhằm tạo niềm tin nơi họ. Khi tạo được sự tin tưởng thì mình mới có thể tiếp cận, trò chuyện với họ được. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chúng tôi thành lập CLB phòng, chống HIV/AIDS thí điểm tại ấp Kinh Mới. Hiện nay, dự án hỗ trợ chăm sóc, điều trị ARV đã cắt giảm, thay vào đó người bệnh được điều trị bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Vì vậy, người bệnh cần mua BHYT nhằm giảm chi phí trong điều trị, vì chi phí điều trị ARV mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng”.


Cán bộ y tế tư vấn, tuyên truyền, vận động người nhiễm thực hiện điều trị, chăm sóc sức khỏe, tránh lây lan trong cộng đồng

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 186/192 xã, phường, thị trấn phát hiện ca nhiễm HIV, với gần 4.300 người nhiễm, trong đó có trên 1.300 ca tử vong. Số bệnh nhân còn sống đang quản lý trong cộng đồng là 1.452 người.

Tỉnh duy trì 5 phòng tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện. Từ đầu năm 2016 đến nay, 5 phòng này tư vấn và xét nghiệm cho 3.411 người, phát hiện 163 trường hợp dương tính với HIV, đồng thời chuyển tiếp thành công 144 trường hợp điều trị ARV. Đến nay, tổng số bệnh nhân tiếp cận dịch vụ điều trị ARV là 1.404 người, so với số bệnh nhân còn sống trong cộng đồng đang quản lý đạt trên 96%.

Nhiều khó khăn trong truyền thông giáo dục sức khỏe

Theo y sĩ Trần Văn Tụng, toàn huyện Đức Hòa hiện quản lý 380 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 199 người tham gia BHYT. Thời gian tới, cán bộ y tế và cán bộ Phòng khám, điều trị ARV ngoại trú người lớn sẽ rà soát lại người bị nhiễm HIV chưa tham gia BHYT để có biện pháp vận động họ tham gia. Nếu hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi đề xuất UBND xã, huyện hoặc tỉnh có chính sách hỗ trợ BHYT, giúp họ được tiếp tục dùng thuốc điều trị ARV bằng BHYT. Khó khăn hiện nay, do dự án “Quỹ toàn cầu” kết thúc nên nhóm đồng đẳng viên dường như không còn hoạt động nữa, vì vậy công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Bởi, cán bộ y tế rất khó có thể tiếp cận người nghiện ma túy và bị nhiễm HIV. Được biết, đây cũng là khó khăn và tình hình chung của tỉnh”.

Theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, từ năm 2013 đến nay, số người nhiễm HIV không tăng. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV lây qua đường máu chủ yếu trên người nghiện ma túy còn cao. Hoạt động truyền thông còn gặp nhiều khó khăn, chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nên độ bao phủ chưa sâu, rộng. Từ năm 2013, các nguồn kinh phí dự án hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị ARV cắt giảm nhanh. Để bảo đảm cho bệnh nhân được điều trị liên tục, ngày 26-6-2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT về việc hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS.

Tuy nhiên, qua thống kê đến nay, số bệnh nhân điều trị bằng BHYT chỉ đạt 62,5%. Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; triển khai mô hình lồng ghép tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, Phòng khám, điều trị ARV ngoại trú người lớn và điều trị Methadone tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười. Đồng thời, tiếp tục đào tạo cán bộ nhằm tăng sự bao phủ điều trị ARV trong toàn tỉnh; triển khai thí điểm tư vấn, xét nghiệm HIV cộng đồng;...

Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch này vẫn đang là thách thức lớn, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và ngành Y tế, cần sự tự giác của mọi người dân trong xây dựng cộng đồng xã hội không có HIV/AIDS./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết