Tiếng Việt | English

23/10/2015 - 09:16

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Theo khảo sát, hiện nay, hầu hết các nhà sách, cửa hàng bán dụng cụ học sinh, đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh, hàng Trung Quốc chiếm đa số. Theo các chuyên gia về y tế, những đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em “made in China” luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ.


Đồ chơi, màu nước mà các em chơi tô màu, có nhiều loại xuất xứ từ Trung Quốc

Tràn lan đồ chơi Trung Quốc

Tại chợ Cần Giuộc, trong một lần đi công tác, ghé vào chợ mua một hộp khăn giấy ướt, chúng tôi nhận thấy trên gian hàng này bày bán rất nhiều đồ chơi trẻ em. Hỏi mua một con búp bê Barbie, cô bán hàng giới thiệu có hàng chục loại khác nhau. Mỗi bộ búp bê Barbie từ 4-6 con với nhiều trang phục, kiểu tóc khác nhau, giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/bộ. Tất cả đều có xuất xứ Trung Quốc.

Anh Trần Huy Vũ, ngụ khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc cho biết: “Tôi đã nghe nói nhiều về tác hại của đồ chơi Trung Quốc nên không mua cho con chơi, nhưng tuần rồi, vợ tôi đưa con đi nhà sách và mua cho bé bộ đồ chơi mèo Doraemon kể chuyện. Trẻ em thường thích thú với những đồ chơi dạng này, vì chỉ cần bấm nút là máy tự động kể chuyện hoặc hát. Tuy nhiên, khi nghe kỹ những câu chuyện được tích hợp sẵn trong món đồ chơi thì biết nội dung không mang tính giáo dục. Cũng vì chuyện này mà tôi và vợ giận nhau cả tuần”.

Theo chị Nguyễn Khánh Quỳnh, tiểu thương chuyên bán dụng cụ học sinh, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm tại chợ Kiến Tường (thị xã Kiến Tường), hiện nay, có rất nhiều cửa hàng bày bán những con thú biết hát, biết kể chuyện, xe đạp, ôtô, búp bê, bộ ghép hình, siêu nhân,... với giá rất rẻ. Giá một con mèo Kitty biết hát 3 bài hát, kể 3 câu chuyện chỉ từ 90.000-150.000 đồng/con nên các cháu bé rất thích. Nhưng tất cả đều là hàng Trung Quốc.


Trẻ em chú trọng đến đồ chơi nhiều màu sắc

Hàng Việt Nam vẫn được ưa chuộng

Theo anh Đỗ Kim Hoàng - Cửa hàng trưởng Nhà sách Nhật Tảo, phường 1, TP.Tân An: “Hiện nay, tâm lý của các bậc phụ huynh thận trọng hơn trong việc mua sắm đồ chơi, đồ dùng học tập cho con em mình. Nếu như những năm trước, đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em từ hàng Trung Quốc chiếm tới 70-80% thị phần thì nay, đồ dùng học tập tại Việt Nam sản xuất được cải tiến mẫu mã, giá bán phù hợp nên được khách hàng lựa chọn”.

Theo quy định, tất cả đồ chơi trẻ em phải được dán tem hợp quy CR. Tuy nhiên, theo khảo sát tại nhiều cửa hàng bán đồ chơi trên địa bàn TP.Tân An và một số trung tâm thị trấn, thị tứ khác, nhiều loại đồ chơi Trung Quốc nằm trong danh mục hàng cấm, không rõ nguồn gốc, không tem nhãn hợp quy vẫn được bày bán tràn lan. Thông điệp chúng tôi muốn chuyển đến các bậc phụ huynh chính là cẩn trọng hơn trong việc mua sắm dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ ./.

Song Hồng

 .

Chia sẻ bài viết