Tiếng Việt | English

13/01/2018 - 21:10

Hết lòng với công tác khuyến học

Từng là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An sau khi hoàn thànhnhiệm vụ, bà không chọn cho mình cuộc sống an nhàn khi về hưu mà tình nguyện chăm lo cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đó là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phước Lại - Lê Thị Nương.

Gần gũi với cơ sở

Năm 2000, bà Nương tình nguyện tham gia công tác ở ấp (từ Phó Bí thư đến Bí thư Chi bộ ấp Lũy). 15 năm tham gia công tác, bà góp phần đưa phong trào ấp Lũy ngày càng đi lên. Bà không quản ngại khó khăn, vất vả, “lê la” đến từng hộ dân để lắng nghe những tâm tư, tình cảm của họ.

Những quyển vở do bà vận động dành tặng học sinh nghèo

Những quyển vở do bà vận động dành tặng học sinh nghèo

Bà cùng tập thể chi bộ thực hiện nhiều việc để chăm lo cho dân. Thông qua việc quyên góp, bà kết nối được nhiều tấm lòng cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, nhiều năm liền, Chi bộ ấp Lũy đều giữ vững danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Hiện tại, ấp Lũy không còn nhà xiêu vẹo, người nghèo được quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều hình thức,... Đó là điều bà cảm thấy hài lòng nhất vì giúp ích được cho người dân.

Bà Nương nói: “Tôi muốn quan tâm, giúp đỡ những người nghèo trong ấp. Để làm được điều đó, tôi nghĩ phải bằng việc làm cụ thể, thiết thực chứ không thể nói suông. Nhưng, ở xã miền hạ còn lắm khó khăn nên việc vận động, hỗ trợ người nghèo, khó khăn không hề dễ. Vì vậy, khi vận động phải có “nghệ thuật”, nói chuyện khéo léo, tận tâm,... để mạnh thường quân cảm thấy, việc họ làm là có ích và cùng chung tay chăm lo đời sống người dân nghèo”.

Nhờ gần dân, luôn lắng nghe những chia sẻ của dân nên bà hiểu rõ hoàn cảnh của các gia đình. Đây cũng là một trong những lý do thôi thúc bà chăm lo cho công tác khuyến học.

Chăm lo học sinh nghèo

Năm 2008, bà làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã khi vẫn là Bí thư Chi bộ ấp Lũy. Công việc này là vì học sinh, muốn chăm lo, chia sẻ khó khăn với các em trong học tập chứ thù lao bà nhận chẳng là bao! Không lập gia đình, bà dành gần cả cuộc đời để cống hiến cho xã hội. Hiện nay, bước sang tuổi 75 nhưng hàng ngày, bà vẫn đạp xe đến trụ sở làm việc, đi gặp dân, trò chuyện cùng những học sinh vượt khó học giỏi,...

10 năm làm công tác khuyến học, nguồn quỹ do bà vận động mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2017, hội tặng quà, học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, sinh viên, các em thuộc diện hộ cận nghèo đang học tại các trường trên địa bàn xã, cấp xe đạp, hỗ trợ 86 học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Thị Một đi thi tốt nghiệp,... với tổng số tiền trên 400 triệu đồng. Hiện tại, quỹ hội còn trên 200 triệu đồng gửi ngân hàng, khi có trường hợp khó khăn cần hỗ trợ, bà rút tiền lãi để chi.

Không những vậy, nhiều năm qua, hội thành lập và duy trì mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”, mỗi năm được hơn 10 con với số tiền gần 30 triệu đồng. Cùng với nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân, số tiền này tiếp thêm nguồn lực, hỗ trợ học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học có điều kiện đến trường.

Bà chia sẻ: “Với suy nghĩ chăm lo cho thế hệ trẻ không chỉ có ăn, có mặc mà còn được học hành tử tế, năm học 2017-2018, tôi vận động 5 học sinh bỏ học trở lại lớp. Tôi thường xuyên khuyến khích, động viên học sinh nghèo vượt khó, sinh viên con gia đình khó khăn,... Nhờ đó, xã Phước Lại không còn tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình nghèo. Để thực hiện được điều này, tôi cảm ơn các nhà tài trợ đồng hành trong suốt những năm qua. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Hường, ngụ TP.HCM; các cơ sở tôn giáo đóng trên địa bàn, những học trò cũ,... Đó còn là sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp công tác khuyến học của xã ngày càng đi lên”.

Sự tận tâm của bà được nhiều người ủng hộ. Từ đó, việc đăng ký gia đình, cộng đồng, đơn vị, dòng họ học tập ngày càng lan tỏa,... Và, Phước Lại là xã đầu tiên của huyện được công nhận Cộng đồng học tập vào năm 2016.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Lại - Nguyễn Thành Lập cho rằng, bà Nương có tinh thần trách nhiệm cao. Bà nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện, tỉnh và đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Bà là tấm gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện tại, dù lớn tuổi nhưng bà vẫn cống hiến sức mình cho công tác khuyến học, khuyến tài. Tấm lòng của bà đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn thật đáng trân trọng!

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết