Tiếng Việt | English

14/03/2018 - 14:22

Hiến xác cho y học: Thắp lên ngọn lửa hồi sinh

Hiến xác cho y học, chuyện tưởng dễ dàng mà lại rất khó khăn bởi người hiến xác và cả người thân phải chuẩn bị tâm lý và vượt qua những định kiến khi quyết định hiến thi thể người đã khuất.

Cách đây mấy năm, ngôi mộ ông Sáu Nam vẫn còn là mộ gió. Dù vậy, các quản trang vẫn đều đặn thắp hương mỗi ngày. (Trong ảnh: Quản trang Nguyễn Văn Sáu thắp hương cho phần mộ nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Nam)

Tận hiến cho cuộc sống

Tôi chưa một lần được gặp ông, một người kiên trung trong kháng chiến, tận tâm khi đất nước hòa bình và hết lòng vì thế hệ sau khi về hưu. Ông là ông Nguyễn Văn Nam (Sáu Nam) - nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Đước, tỉnh Long An, cũng là người sáng lập Hội Khuyến học huyện “có tiếng” cho đến bây giờ! Nói như vậy cũng chưa hết những cống hiến của ông. Bởi lẽ, sau khi nhắm mắt, ông còn hiến thi thể của mình cho y học với tâm nguyện: “Chết rồi, tôi chỉ còn thân xác này, xin được giúp cho việc học hành của các bạn học ngành y”.

Vậy đó, năm 2012, ông Sáu Nam mất, huyện Cần Đước xôn xao câu chuyện một đám tang không có quan tài và ngôi mộ mới dựng lên cũng là mộ gió. Đó là đám tang của ông Sáu, bởi thi hài ông được hiến cho y học.

Bà Chung Thị Hương (vợ ông) kể: “Những ngày cuối đời, ông ấy cứ dặn đi, dặn lại phải làm theo di nguyện của ông là hiến xác cho y học. Ông lo, khi mất rồi, vì thương ông, vì yếu lòng mà tôi giữ ông nằm lại mảnh đất quê nhà! Mấy chục năm rồi, tôi đâu dám cãi ông chuyện gì”.

Lúc ông mất, nhiều người bàn tán về một đám tang không có quan tài. Bà nói: “Dù không có quan tài nhưng người đến viếng ông lúc ấy rất đông”. Rồi bà kể với chúng tôi những chuyện sau ngày ông hiến xác, Bệnh viện Đại học Y Dược - nơi nhận xác ông, làm lễ tri ân long trọng, đội ngũ y, bác sĩ hành lễ một cách kính cẩn và tôn nghiêm. Bà Sáu nhớ, các bác sĩ nói với bà: “Chúng con đền ơn mà mẹ ơi!”.

Sau đó 2 năm, ông được bệnh viện hỏa táng và đưa tro cốt về quê nhà. Giờ đây, ông Sáu về lại với quê nhà, ngôi mộ ngày nào không còn là mộ gió. Bà Sáu ngoài 90 tuổi vẫn sống trong căn nhà ông bà từng sống với nhau. Ông “đi” đã nhiều năm nhưng ký ức về ông vẫn nguyên vẹn, bà vẫn nhắc đến ông bằng tất cả trìu mến, yêu thương. Nói về chuyện hiến xác của ông, bà chỉ mỉm cười: “Thấy ông rất kiên quyết nên gia đình đều đồng ý và tôn trọng quyết định của ông”. Chính quyết tâm hành động cao đẹp đó của ông Sáu trở thành động lực cho nhiều người khác hiến xác cho y học sau khi mất.

"Từ khi ngôi mộ ông Sáu Nam được xây dựng ở nghĩa trang thì tôi vẫn đều đặn thắp nhang mỗi ngày dù đó là mộ gió. Bởi tôi tin, vong linh ông vẫn ở quê nhà chứ chẳng rời xa!”. 

Ông Nguyễn Văn Sáu,  quản trang tại nghĩa trang huyện Cần Đước

Viết tiếp câu chuyện nhân văn

Một trong những người được ông Sáu “tiếp sức” trong việc hiến xác cho y học là nhà thơ Nguyễn Ngọc Lộc, ngụ phường 4, TP.Tân An. Mấy hôm trước, ông tổ chức họp gia đình để thông báo với các con về quyết định của mình, giải thích tận tường nguyên nhân, mong các con hiểu và ủng hộ. Giờ đây, ông có thể yên tâm rằng, các con sẽ làm theo di nguyện của mình sau ngày ông nhắm mắt.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Lộc nói rằng, chính lần đi viếng “đám tang không quan tài” mà ông quyết định hiến xác mình cho y học. (Trong ảnh: Ông Lộc với thẻ tình nguyện hiến xác do Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cấp)

Nhà thơ Ngọc Lộc kể: “Tôi có ý định này rất lâu rồi, từ khi đi dự đám tang anh Sáu Nam. Đám tang không có quan tài vì ngay sau khi nhắm mắt, thi hài anh được đưa lên bệnh viện. Ngày đó, hiến xác còn xa lạ lắm! Chuyện lạ ấy khiến tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng quyết định đến Bệnh viện Y Phạm Ngọc Thạch đăng ký hiến xác”.

Ông Lộc kể, quê ở Hải Dương nhưng ông và gia đình định cư tại Long An mấy mươi năm, xem đây là quê hương thứ hai của mình. Dù vậy, người thân ở Hải Dương vẫn còn nhiều, mà ngoài ấy, người lớn tuổi vẫn giữ cho mình suy nghĩ không được “mạo phạm” thi thể người chết. Nên để đưa ra quyết định hiến xác cho y học nghĩa là ông đã tự đấu tranh tư tưởng, đồng thời cũng căn dặn các con phải làm theo di nguyện của mình.

Chúng tôi được biết, không chỉ có nhà thơ Ngọc Lộc mà còn rất nhiều người khác được “thắp lửa” sau khi dự “đám tang không quan tài”, có thể kể đến: Đại tá Trần Minh Phương (58 tuổi) - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ngụ phường 6, TP.Tân An; bà Châu Thị Mỹ Chi (54 tuổi) và con gái Châu Thức Tâm (34 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An và một số người thân trong gia đình ông Sáu.

Ngày nay, việc hiến xác cho y học không còn xa lạ nhưng để thực hiện được quyết định trên, không phải ai cũng làm được. Gần đây nhất, câu chuyện về bé Hải An hiến giác mạc sau khi mất lại tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa “tận hiến cho đời” để cái chết hồi sinh cho sự sống./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết