Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Hiệp định FTA sẽ tạo ra hành lang thông thoáng cho các DN Việt Nam

Tuy Hiệp định FTA sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng những thách thức để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả Hiệp định cũng rất nhiều.

Sau nhiều nỗ lực cao của tất cả các bên, một Hiệp định về tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu sắp được ký kết tại Kazakhstan, một trong 3 nước thành viên đầu tiên của Liên minh.

Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Đặng Hoàng Hải, Trưởng đoàn đàm phán cấp Kỹ thuật của Việt Nam tại Thủ đô Astana, xung quanh sự kiện quan trọng này.

Trưởng đoàn đàm phán cấp Kỹ thuật Đặng Hòa Hải trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về tiến trình đàm phán FTA giữa VN và Liên minh Kinh tế Á - Âu

PV: Tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu đã gần như được hoàn tất. Nhìn lại tiến trình đó, ông có cảm nghĩ như thế nào?

Ông Đặng Hoàng Hải: Quả thực là thời gian rất nhanh. Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên khi chúng ta bắt đầu tiến hành nghiên cứu khả thi về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) này với LB Nga, sau đó là Liên minh Hải quan và bây giờ là thành Liên minh Kinh tế Á – Âu (LMKTAAu). Lúc đầu chúng ta nghiên cứu FTA này với một nước và bây giờ là FTA với 5 nước. Riêng phần này chúng ta đã mất 2 năm, tuy nhiên đó là phần rất quan trọng, đóng góp cho việc chúng ta đàm phán Hiệp định này rất nhanh.

Khởi động từ tháng 3/2013, cho đến nay, tức là mới khoảng hơn 2 năm, chúng ta đã chuẩn bị ký kết Hiệp định này. Tôi muốn nói rằng, Hiệp định có một đặc điểm rất riêng và rất khác với quá trình đàm phán các Hiệp định khác. Đó là các nước mà chúng ta tiến hành đàm phán FTA là những nước vốn có tình hữu nghị truyền thống với Việt Nam: từ LB Nga, cho đến Belarus, Kazakhstan và các thành viên mới là Armenia, Kyrgyzstan đều đã tham gia quá trình xây dựng đất nước Việt Nam rất lâu rồi, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam…

Những tình cảm hữu nghị như thế có lẽ là rất hiếm, bởi vậy chưa hề có trong các tiến trình đàm phán FTA. Tuy nhiên, quá trình đàm phán vẫn diễn ra rất nghiêm túc. Nhưng nhờ tình hữu nghị nên sự hiểu biết lẫn nhau rất cao và cũng vì tình hữu nghị nên hai bên rất tôn trọng lợi ích của mỗi bên, tính đặc thù của mỗi nước và đều tiến tới một mục đích là phải cân bằng lợi ích giữa hai bên trong tiến trình đàm phán.

Đến nay, khi tiến trình đàm phán đã kết thúc thì chúng tôi thấy rằng, một trong những mục đích ấy đã đạt được. Việc ký FTA đảm bảo đã tính đến lợi ích của mỗi nước trong Liên minh cũng như của Việt Nam và cũng bảo đảm cân bằng lợi ích của cả hai bên.

Ông Đặng Hoàng Hải, Trưởng đoàn đàm phán kỹ thuật của Việt Nam nói về ý nghĩa của FTA đối với VN và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu

PV: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hiệp định này đối với Việt Nam cũng như từng thành viên của Liên minh?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tôi nghĩ rằng, về tổng thể là rất có ý nghĩa. Đối với chúng ta, thị trường của Liên minh này khá tiềm năng. Liên minh hiện nay có 5 nước với số dân là trên 170 triệu và GDP theo sức mua là khoảng 4.000 tỷ USD. Con số này đã nói lên đây là một thị trường rất hứa hẹn cho Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định này đã đạt được mục tiêu cơ bản mà chúng ta đã đặt ra, đó là những hàng hóa nằm trong sự quan tâm ưu tiên cao đều đạt được những điều kiện thuận lợi.

Chẳng hạn như thủy sản, chúng ta đã đạt được gần như 100% khối lượng các mặt hàng xuất đi thế giới được hưởng thuế suất bằng không ngay lập tức. Hàng dệt may chúng ta cũng đạt khoảng 80% xóa bỏ thuế quan, sau đó thì theo lộ trình và xuất xứ là theo công đoạn… Đó là những yếu tố hết sức quan trọng đối với ngành dệt may để tiến hành xuất khẩu. Da giày cũng như vậy: hiện nay xuất xứ yêu cầu mũ da giày sản xuất tại nội địa, còn lại có thể nhập khẩu nguyên liệu… thì với xuất xứ như vậy và việc cắt giảm thuế suất về “không” thì da giày của chúng ta sẽ rất có lợi ở các thị trường này.

Lợi thế bao trùm lên tất cả là Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký FTA với LMKTAAu, được hưởng lợi thế cắt giảm thuế quan đầu tiên đối với một đất nước. Tôi nghĩ rằng, đó là một lợi thế rất lớn. Đồng thời, trong đàm phán Hiệp định này, chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong những quy định về “hàng rào kỹ thuật”; rồi kiểm tra, kiểm dịch chất lượng. Đây là những tiến bộ sẽ làm tăng thuận lợi về hàng hóa và giúp làm tăng hiệu quả của HĐ.

Về phía bạn, cũng có những tác động rất tốt bởi chúng ta cũng đã chú trọng đến những mặt hàng mà nước họ ưu tiên cao. Ví dụ như sắt thép, hàng công nghiệp, một số mặt hàng nông nghiệp… Chẳng hạn như, hiện nay chúng ta cũng sẵn sàng mở cửa ngay, xóa bỏ ngay thuế quan đối với thịt bò, sữa, bột mì, hạt mì, thịt, cá chế biến… Một số mặt hàng khác thì chúng ta mở lộ trình. Tôi nghĩ, sự tác động của Hiệp định sẽ rất tốt bởi vì nó đã thể hiện các lợi ích của cả hai bên và chú trọng đúng những mặt hàng mà hai bên đều ưu tiên.

PV: Trong quá trình làm việc với các đối tác, ông có nhìn nhận gì về sự đánh giá của các bên đối với thị trường cũng như tiềm năng của Việt Nam khi triển khai các điều khoản của Hiệp định?

Ông Đặng Hoàng Hải: Các đối tác đánh giá Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và có một vai trò rất tích cực trong ASEAN. Việt Nam sẽ là một cửa ngõ để LMKTAAu vào ASEAN và khu vực châu Á. Các hàng hóa đã thân thiện, đã có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thì chắc chắn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các đối tác trên các thị trường ASEAN và châu Á.

Cùng với sự thông thoáng trong thỏa thuận về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư thì đối tác thấy rằng họ cũng có nhiều cơ hội trong việc đầu tư và dịch vụ đầu tư… tạo VN thành một điểm đến và sẽ xuất khẩu đầu tư và dịch vụ đầu tư sang các nước ASEAN và các nước xung quanh.

PV: Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần có những nỗ lực như thế nào trong việc triển khai các điều khoản trong Hiệp định?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tuy Hiệp định này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng những thách thức để chúng ta tận dụng hiệu quả Hiệp định cũng không phải là ít. Trước hết tôi phải nói về khoảng cách địa lý. Việt Nam chúng ta cách rất xa các nước trong LMKTAAu. Và cũng không phải là thị trường quen thuộc đối với các doanh nghiệp, bởi vậy đây là điều các doanh nghiệp phải hết sức chú ý.

Từ việc khảo sát các con đường vận tải, rồi bến bãi, kho tàng… để bảo đảm chi phí của chúng ta và vẫn giữ được chất lượng hàng hóa. Rồi việc tìm hiểu các quy tắc, luật lệ của các nước đối tác. Mỗi nước lại có những đặc điểm riêng, có hàng rào kỹ thuật riêng cũng như những quy định riêng… đó sẽ là những trở ngại cho VN nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ.

Điểm thứ hai là trước đây chúng ta cũng từng xuất khẩu, nhưng là xuất khẩu sang LB Nga. Thế nhưng các nước như Armenia, Kyrgyzstan (2 nước thành viên mới) thì chúng ta cũng chưa tìm hiểu kỹ lắm… thì đây là thời điểm để chúng ta khảo sát tốt hơn thị trường: từ thị hiếu người tiêu dùng, khí hậu… rồi tất cả các điều kiện khác để bảo đảm hàng hóa của chúng ta thuận lợi trên đất bạn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Điệp Anh, Đoan Hải/VOV - Moscow 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hiệp địnhFTA