Tiếng Việt | English

16/02/2016 - 10:45

Hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Đề án đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành (Long An) trong 5 năm qua (2011-2015) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã tổ chức 88 lớp dạy nghề cho lao động (LĐ) nông thôn, có gần 2.500 học viên tham gia, với tổng kinh phí đào tạo trên 1,4 tỉ đồng.

Nhờ được đào tạo về kỹ thuật, chất lượng thanh long của nông dân Châu Thành ngày càng được nâng lên

Các ngành nghề được chú trọng thực hiện là đào tạo về kỹ thuật trồng và bảo vệ thực vật trên thanh long, trồng thanh long theo hướng VietGAP, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,... góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo của huyện từ 25% năm 2010 lên 56,1% năm 2015.

Ông Đinh Văn Út (ấp 4, xã Hòa Phú) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa nếp. Sau này, khi người dân chuyển đổi sang trồng thanh long thì tôi cũng thử nghiệm trồng loại trái “vàng” này. Do chưa có kinh nghiệm, tôi cũng băn khoăn không biết phải trồng thế nào cho có năng suất vì chi phí đầu tư quá cao. Nhờ được tham gia lớp tập huấn trồng thanh long theo hướng VietGAP, tôi mạnh dạn, tự tin hơn khi áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng ổn định qua 7 lần thu hoạch".

Đi đôi với đào tạo nghề, huyện luôn chú trọng đến công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo. 5 năm qua, huyện giải quyết việc làm cho gần 23.000 LĐ, đạt 117,7% chỉ tiêu kế hoạch. Huyện còn thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, học sinh-sinh viên vay.

Theo thống kê, tổng số vốn cho hộ nghèo vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện từ năm 2011-2015 trên 114,1 tỉ đồng, có trên 7.300 lượt hộ vay; trên 3.800 hộ cận nghèo vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, với tổng số vốn vay trên 75,8 tỉ đồng. Huyện còn hỗ trợ trên 204,4 tỉ đồng cho trên 13.200 học sinh, sinh viên vay.

Các chính sách hỗ trợ thiết thực này đã tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2011 toàn huyện có 1.410 hộ nghèo, chiếm 5,37%; hộ cận nghèo 1.321 hộ, chiếm 5,03% so với tổng số hộ dân thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 562 hộ nghèo, chiếm 2,09% (theo chuẩn nghèo cũ).

Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành - Điều Thị Phương Hồng chia sẻ: Bằng nhiều giải pháp giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhất là chú trọng hỗ trợ người nghèo vay vốn, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện đã tạo việc làm cho hàng nghìn LĐ, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương và chính sách của Nhà nước trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với các xã có điều kiện kinh tế còn khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tạo điều kiện để hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, huyện Châu Thành tăng cường dạy nghề cho LĐ nông thôn bảo đảm tỷ lệ LĐ qua đào tạo 60% (trong đó, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 50%); phấn đấu giải quyết việc làm cho 2.500 LĐ/năm; giảm hộ nghèo mỗi năm 20%/tổng số hộ nghèo hiện có của năm.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết