Tiếng Việt | English

02/08/2020 - 10:50

Hiệu quả điều tra theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020

Không chỉ dựa vào thu nhập, chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 còn xác định dựa trên mức độ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở,... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, tránh trường hợp tái nghèo hoặc phát sinh nghèo.

Việc điều tra theo chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giúp địa phương xác định nguyên nhân nghèo, từ đó có biện pháp giảm nghèo hiệu quả

Việc điều tra theo chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giúp địa phương xác định nguyên nhân nghèo, từ đó có biện pháp giảm nghèo hiệu quả

Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: Ngoài tiêu chí thu nhập, còn có nhóm tiêu chí về các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Ngay sau khi quyết định được ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An đã tổ chức tập huấn về nghiệp vụ điều tra cho hàng trăm người là thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, các ngành. Việc tập huấn rà soát hộ nghèo, cận nghèo mục đích xác định và lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo một cách chính xác, không theo cảm tính hoặc chạy theo thành tích. Hơn hết, qua đó chính quyền địa phương còn tìm hiểu được nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, tránh tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường - Trần Thị Băng Tuyết cho biết: “Việc rà soát theo chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giúp xã phân loại đối tượng nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp như người nghèo chí thú làm ăn nhưng không có vốn, phương tiện sản xuất; người nghèo khó khăn về nhà ở; người nghèo neo đơn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; người nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Đặc biệt, việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo công khai còn khơi gợi được ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, từ đó gần 5 năm qua (2016-2020), xã có gần 100 lá đơn của người nghèo xin thoát nghèo”.

Đời sống hộ nghèo được cải thiện nhờ những giải pháp hỗ trợ phù hợp

Đời sống hộ nghèo được cải thiện nhờ những giải pháp hỗ trợ phù hợp

Theo nhiều người đánh giá, giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm khắc phục hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng nghèo về các khía cạnh khác, bởi cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập hay chi tiêu mà còn là việc không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản khác của con người. Bà Hồ Thị Loan, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và địa phương mà cuộc sống gia đình tôi ổn định và ngày càng cải thiện. Không chỉ được hỗ trợ về nhà ở, gia đình tôi còn được hỗ trợ con giống để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Đây chính là nguồn lực giúp những hộ nghèo như chúng tôi tiếp tục phấn đấu, hăng say lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc điều tra hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016-2020 không còn phù hợp với tình hình thực tế, vì vậy theo đề xuất của các cấp, các ngành chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 sẽ thay đổi. Cụ thể như hộ nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người dưới 1,5 triệu đồng/tháng và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; hộ nghèo khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người từ 2.000.000 đồng/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo cùng với phương pháp tiếp cận hộ nghèo, cận nghèo mới, Long An nói riêng, cả nước nói chung sẽ có nhiều đột phá trong công tác giảm nghèo trong thời gian tới, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, đời sống người dân ngày càng nâng lên./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết