Tiếng Việt | English

07/11/2016 - 11:47

Hiệu quả kinh tế từ các trang trại, gia trại

Mấy năm gần đây, kinh tế trang trại, gia trại khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn.


Trang trại, gia trại mang lại hiệu quả cao

Hiệu quả kinh tế - xã hội

Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An một trong những địa phương có nhiều trang trại hoạt động rất hiệu quả. Hiện, huyện cấp giấy chứng nhận cho 43 trang trại, trong đó có 16 trang trại hoạt động. Các trang trại hoạt động tại địa bàn chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình trang trại tại huyện Thạnh Hóa được thực hiện từ năm 2007. Thạnh An là xã có nhiều trang trại nhất của huyện với khoảng 10 trang trại. Chính thức đi vào sản xuất tại địa bàn xã Thạnh An năm 2005, trang trại chăn nuôi gà của ông Phạm Văn Đấu hoạt động theo quy trình khép kín, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Khi đưa gà giống về, chủ trang trại đưa vào nuôi trong nhà xưởng khép kín, có hệ thống cung cấp thức ăn, nước, xử lý chất thải tự động theo dây chuyền lắp đặt sẵn.

Lúc mới thành lập, trang trại của ông Đấu có diện tích gần 5ha, nuôi khoảng 30.000 con, đến nay, ông mở rộng trang trại đến 25ha, số lượng gà lên đến 200.000 con, tổng mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng, trong đó có 12 nhà xưởng đang nuôi gà được đầu tư 120 tỉ đồng. Gà khoảng 2kg được xuất bán cho các công ty theo hợp đồng với giá 27.000 đồng/kg. Mỗi ngày, trang trại bán ra thị trường 5.000 con, sau khi trừ tất cả chi phí thì lợi nhuận thu về 5 triệu đồng/1.000 con. Ngoài ra, trang trại còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động.

Ông Đấu chia sẻ: “Các nhà xưởng đầu tư đúng tiêu chuẩn. Đội ngũ bác sĩ thú y túc trực 24/24 để theo dõi, chăm sóc gà. Hiện nay, trang trại tiếp tục xây dựng các nhà xưởng; cuối năm 2016, nâng tổng đàn lên khoảng 440.000 con”.


Trang trại, gia trại mang lại hiệu quả cao

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Lê Hữu Tàu thông tin: “Từ khi đi vào hoạt động, các trang trại góp phần phát triển KT-XH địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để trang trại hoạt động hiệu quả. Hiện nay, huyện có 16 trang trại hoạt động, các trang trại còn lại được cấp giấy chứng nhận nhưng chưa hoạt động. Phòng tham mưu huyện tiến hành rà soát lại tất cả, nếu không sản xuất hoặc sản xuất nhưng không hiệu quả thì kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận”.

Việc hình thành các trang trại được xem là nhân tố quyết định thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa. Những mô hình trang trại hiệu quả đó thúc đẩy sự phát triển của nông, lâm, ngư nghiệp. Ông Nguyễn Văn Cưng - chủ trang trại chăn nuôi gà lấy trứng ở ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước chia sẻ: “Hiện nay, chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại mang lại hiệu quả cao. Trang trại của tôi có khoảng 15.000 con gà, trung bình mỗi ngày thu trên 1.000 trứng, lãi 3-4 triệu đồng/ngày. Hiện nay, đầu ra của trứng tương đối ổn định, chúng tôi liên kết tiêu thụ với Công ty Ba Huân, Công ty Vĩnh Thành Đạt”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lân, huyện Cần Đước - Trần Thị Yến Nga cho biết: “Trong quá trình phát triển, một số trang trại liên doanh, liên kết với doanh nghiệp về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, phía công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và bao tiêu sản phẩm; phía các trang trại tạo dựng cơ sở vật chất, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ mối liên kết bền vững nên hàng năm, sau khi trừ chi phí, mỗi trang trại, gia trại này có lợi nhuận trung bình từ 300-500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động”.


Kinh tế trang trại, gia trại khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động

Toàn tỉnh hiện có khoảng 460 trang trại chăn nuôi nhưng theo Thông tư 27/2011/TT-BNN thì toàn tỉnh chỉ có 31 trang trại chăn nuôi (được cấp giấy chứng nhận) và 1 hợp tác xã. Sự phát triển của kinh tế trang trại từng bước đưa nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ, lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng phát triển bền vững làm giàu cho nông dân.

Phát triển bền vững

Những năm gần đây, đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại, tỉnh ban hành nhiều cơ chế nhằm phát triển loại hình kinh tế quan trọng này. Việc hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại được lồng ghép, thông qua: Chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới,...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Thời gian tới, tỉnh khuyến khích người chăn nuôi có đủ điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sản xuất theo chuỗi. Từ hiệu quả đầu tư Dự án Lifsap giai đoạn 1, hình thành các tổ, nhóm trong sản xuất, khuyến khích người dân liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại để hưởng lợi từ chi phí đầu vào. Dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và công tác quảng bá đầu ra sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho khu vực trang trại. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại; đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình theo quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi,...

Mặt khác, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi,... ở các vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, khoa học - kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các chủ trang trại, người lao động trang trại để quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả./

Lê Huỳnh - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết