Tiếng Việt | English

15/08/2019 - 14:28

Hiệu quả sản xuất lúa theo VietGAP

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi mới, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cả người tiêu dùng; bảo vệ môi trường, tăng sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng lúa gạo.

Thời gian qua, Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam ở tỉnh Long An (Dự án VnSAT Long An) hỗ trợ nhiều cho nông dân trong sản xuất lúa theo VietGAP, Trong đó, phối hợp tổ chức tập huấn đào tạo quy trình sản xuất lúa VietGAP, hướng dẫn ghi chép sổ tay kỹ thuật và đào tạo canh tác theo quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” (3G3T) và “1 phải, 5 giảm” (1P5G). Nhờ những hỗ trợ từ Dự án VnSAT, các tổ chức nông dân trong vùng dự án đã thực hành sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và có được những hiệu quả nhất định, trong đó nổi bật là Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn, huyện Tân Hưng.

Đây là HTX đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận VietGAP vào năm 2015 cho 9 thành viên với diện tích 82,5ha. Khi tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, thành viên HTX thực hiện một số yêu cầu như sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng hoặc xác nhận; bón phân cân đối, hợp lý, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất trong lúa gạo,... Nội dung quy trình sản xuất lúa theo VietGAP bao gồm: Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, quản lý đất, giống lúa, phân bón (bao gồm chất bón bổ sung), nước tưới, hóa chất (bao gồm thuốc BVTV), thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, người lao động, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm, kiểm tra nội bộ, khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Hợp tác xã Gò Gòn là hợp tác xã đầu tiên của tỉnh được chứng nhận VietGAP

Hợp tác xã Gò Gòn là hợp tác xã đầu tiên của tỉnh được chứng nhận VietGAP

Nhờ hạn chế chi phí thuốc BVTV và lượng phân, đồng thời lúa sản xuất ra chất lượng cao nên sản xuất lúa theo VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân. Anh Võ Vũ Linh - thành viên HTX, cho biết: “Tôi tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ vụ Đông Xuân năm 2016 với 14ha. Vụ Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa của tôi đạt 7,5 tấn/ha, sản xuất giống lúa Đài Thơm 8. Với giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 17 triệu đồng/ha.”

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn khi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhưng vẫn còn khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Về vấn đề này, ông Trương Hữu Trí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Gò Gòn, cho biết: “Sản xuất theo hướng VietGAP giúp nông dân hình thành kỹ năng sản xuất theo quy trình, có thói quen ghi chép nhật ký sản xuất,... Tuy nhiên, hiện tại, đầu ra của lúa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ổn định, lợi nhuận chưa cao hơn so với công sức đầu tư. Bên cạnh đó, cứ 2 năm lại phải tái chứng nhận VietGAP. Tôi cho rằng, đây là một số rào cản làm cho việc sản xuất lúa theo VietGAP chưa thể mở rộng”.

Dự kiến năm 2019, Ban Quản lý Dự án VnSAT Long An triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng sản xuất đạt chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, kết hợp với cán bộ thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, xây dựng 3 mô hình sản xuất lúa theo VietGAP tại 3 HTX: Hưng Phát, Hưng Phú và Tân Đồng Tiến; đào tạo về lý thuyết trong 3 ngày cho nông dân về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo VietGAP; đồng thời xây dựng các điểm trình diễn,... Định hướng trong thời gian tới, Dự án VnSAT Long An tiếp tục hỗ trợ nông dân về kiến thức canh tác và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo VietGAP; tập trung giải quyết khó khăn cho nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là đầu ra nông sản. Đây là yếu tố quan trọng và là điều kiện tiên quyết để nông dân tham gia sản xuất lúa theo VietGAP. Bên cạnh đó, dự án thực hiện liên kết “4 nhà” chặt chẽ để lúa gạo sản xuất ra được doanh nghiệp bao tiêu, khi đó, nông dân mới yên tâm canh tác, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hoàn thiện cơ giới hóa cho các vùng sản xuất, tiến tới mục tiêu một số HTX trong vùng dự án sẽ sản xuất theo quy trình VietGAP.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đổi mới phương thức sản xuất theo hướng canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo./.

Đại Việt

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích