Tiếng Việt | English

03/06/2017 - 06:31

Hiệu quả thiết thực từ việc học tập và làm theo gương Bác

Xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An giờ có nhiều đổi mới, từ diện mạo nông thôn đến đời sống người dân. Những thay đổi ấy là kết quả của quá trình phấn đấu, đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hưng, trong đó có những việc làm thiết thực, ý nghĩa từ việc học tập và làm theo gương Bác,...

Ấm tình đồng đội

Một đảng viên (ĐV) từ tỉnh Kiên Giang chuyển về Khánh Hưng lập nghiệp đề xuất thực hiện mô hình Quỹ đồng đội nhằm giúp đỡ những ĐV khó khăn trong Đảng bộ ổn định cuộc sống. Nhưng ý tưởng này không thành vì Đảng bộ xã Khánh Hưng vào thời điểm đó rất ít ĐV. Hơn 10 năm sau - năm 2011, Quỹ đồng đội mới chính thức hình thành với sự tham gia của 97/98 ĐV trong Đảng bộ (1 ĐV được miễn sinh hoạt).

Dù là xã biên giới nhưng đường sá ở Khánh Hưng đi lại thuận lợi, đó là công trình của ý Đảng, lòng dân

“Cứ đầu năm, mỗi ĐV đóng góp 200.000 đồng làm Quỹ đồng đội. Nguồn quỹ này ưu tiên giúp các ĐV không có ruộng đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế gia đình với lãi suất 0,5%/tháng. Tiền lãi hàng tháng sử dụng làm quỹ thăm hỏi ĐV trong Đảng bộ mỗi khi có việc. Đặc biệt, để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, ngay từ khi hình thành mô hình Quỹ đồng đội, Đảng bộ thống nhất hình thức vay vốn để chăn nuôi bò” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hưng - Huỳnh Văn Trúc Nhơn giải thích.

Cũng theo ông Nhơn, tính đến nay, ĐV góp Quỹ đồng đội hơn 140 triệu đồng và có 7 ĐV được vay vốn với số tiền 20 triệu đồng/người. Số tiền này tuy không nhiều nhưng với những ĐV có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất cũng đủ mua bò về nuôi, gầy dựng dần để ổn định cuộc sống.

Là hộ cận nghèo của xã, nhưng hiện tại, cuộc sống gia đình ông Trần Quốc Minh, 59 tuổi, ngụ ấp Gò Châu Mai, dần khấm khá hơn. Trước đây, ông Minh là cán bộ Tư pháp xã Khánh Hưng nhưng vì hoàn cảnh gia đình, ông xin nghỉ về phụ vợ buôn bán tạp hóa nhỏ và chăm sóc 2 người con. Công việc buôn bán với tiền lời vài chục ngàn đồng/ngày không đủ trang trải nên cảnh sống thường thiếu trước, hụt sau.

Năm 2003, ông đào ao nuôi cá nhưng cuộc sống cũng không khá hơn. Đến năm 2015, được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Quỹ đồng đội, ông Minh mua 2 con bò về nuôi. Sau hơn 2 năm, ông bán 3 con bò với hơn 20 triệu đồng.

“Số tiền này, tôi sửa lại căn nhà. Hiện tại, tôi còn nuôi 2 con bò, trong đó có 1 con gần sinh sản. Tiền buôn bán lo ăn uống mỗi ngày, còn nguồn lợi từ chăn nuôi bò, tôi dành dụm cho con đi học. Phải nói rằng, nhờ Quỹ đồng đội mà kinh tế gia đình bớt chật vật” - ông Trần Quốc Minh chia sẻ. Không riêng ông Minh, một số ĐV có hoàn cảnh khó khăn trong Đảng bộ cũng vươn lên, ổn định cuộc sống từ nguồn Quỹ đồng đội.

3 không, 3 cần, 3 quyết tâm 

Đó cũng là việc làm nổi bật của Đảng bộ xã Khánh Hưng (trước tháng 5-2016) trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn cho biết: “Trước đây, xã thực hiện mô hình 3 xây, 3 chống, chủ yếu tập trung trong đội ngũ cán bộ, viên chức xã. Sau khi học hỏi kinh nghiệm các địa phương, mô hình nâng lên thành “3 không, 3 cần, 3 quyết tâm” để thực hiện trong toàn Đảng bộ. Đó là: Không gây phiền hà, sách nhiễu dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân; không đưa và nhận hối lộ; cần phải vui vẻ, phải lắng nghe, phải học hỏi dân; cần cầu thị, tiếp thu khi được dân góp ý, phê bình; cần vận động dân cùng lo, cùng làm vì cộng đồng và quyết tâm phát huy dân chủ, kỷ cương, đoàn kết; quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, nói đi đôi với làm; quyết tâm xây dựng xã Khánh Hưng đạt chuẩn nông thôn mới”. 

Nhờ Quỹ đồng đội, ông Trần Quốc Minh chăn nuôi bò và dần ổn định cuộc sống

Dù là xã vùng biên nhưng đường sá ở Khánh Hưng đều được cứng hóa, đi lại thuận tiện. Những con đường ấy đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm 2017, khi triển khai tráng bêtông vỉa hè cụm dân cư (rộng 5m) thì Nhà nước đầu tư bêtông 3m, còn lại do người dân đóng góp.

“Chưa kể, hàng năm, người dân còn có nhiều đóng góp trong việc sửa cầu, đường và nạo vét thủy lợi. Tính từ năm 2016 đến nay, con số đóng góp này của người dân hơn 1,1 tỉ đồng” - ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn thông tin.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, ĐV, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên địa bàn xã thực hiện tiết kiệm 1.000 đồng/ ngày để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Từ sự gương mẫu đi đầu của lực lượng này, việc học tập và làm theo gương Bác lan tỏa trong người dân.

Ông Nguyễn Văn Nghình, ngụ ấp Sậy Giăng, tuy là nông dân nhưng sẵn lòng hiến 300m2 đất để xây nhà văn hóa, chỉ vì ông thấy, mỗi lần sinh hoạt phải mượn nhà dân rất bất tiện. Từ khi có nhà văn hóa, không riêng gì ấp Sậy Giăng, người dân các ấp còn lại trong xã cũng đóng góp mua trang thiết bị cho nhà văn hóa để phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Tất cả những công trình ý Đảng, lòng dân ấy góp phần mang đến cho Khánh Hưng diện mạo mới. Nhưng, học và làm theo gương Bác để xây dựng quê hương ngày càng phát triển là chưa đủ mà cán bộ, ĐV - những “công bộc” của dân còn học Bác tính gần dân, vì dân phục vụ như mục đích mô hình “3 không, 3 cần, 3 quyết tâm” vừa nêu.

Bà Nguyễn Kim Phượng, 54 tuổi, ngụ ấp Gò Châu Mai nói rằng: “Mỗi khi đến xã liên hệ công việc, cán bộ xã niềm nở, ân cần hướng dẫn, không gây phiền hà cho dân”.

Xã vùng biên khó khăn ngày nào, giờ đang trên đường phát triển. Chính việc học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực, sát thực tế địa phương đưa Khánh Hưng đổi mới như hôm nay./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích