Tiếng Việt | English

12/11/2018 - 11:14

Hiệu quả từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020, bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh phát triển.

Đạt nhiều kết quả

Chương trình với mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC: Lúa 20.000ha, thanh long 2.000ha, rau 2.000ha, bò thịt 5.000 con, 1-2 doanh nghiệp (DN) đạt DN nông nghiệp ƯDCNC. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, chương trình đạt kết quả khả quan: Xây dựng 16 hợp tác xã (HTX) điểm ƯDCNC, phấn đấu đến năm 2019, mỗi huyện, thị xã, thành phố trong vùng chương trình có 1 HTX điểm với quy trình, cách làm cụ thể, được chuẩn hóa để người dân dễ thấy và làm theo.

Về xây dựng vùng sản xuất lúa ƯDCNC, toàn tỉnh thành lập mới 13 HTX, 11 tổ hợp tác (THT) trong vùng đề án; có 5.404ha ƯDCNC trong sản xuất, trong đó có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, 10% diện tích sử dụng máy cấy, giảm chi phí so với ngoài mô hình từ 2-2,5 triệu đồng/ha, năng suất bình quân tăng 300-500kg/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 4-8 triệu đồng/ha. Đối với vùng thanh long ƯDCNC, toàn tỉnh xây dựng mới 8 HTX và 27 THT trong vùng đề án, có 900ha ƯDCNC trong sản xuất, có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,...

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều kết quả khả quan

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều kết quả khả quan

Kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động (công tưới nước, bón phân), tiết kiệm điện năng, lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón,... Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Về dự án nuôi bò thịt, toàn tỉnh thành lập mới 2 HTX và 6 THT trong vùng đề án. Đến nay, tỉnh hỗ trợ 157 con bò cái sinh sản, có 20 con bê được sinh ra, đang theo dõi; hỗ trợ 2.192 liều tinh bò thịt chất lượng cao và hiện tại, số lượng bê được sinh ra là 417 con. Nhiều hộ nông dân có chuyển biến tích cực trong nhận thức, quan tâm đến dinh dưỡng, sử dụng giống cỏ tốt, có năng suất cao trong chăn nuôi và chỉnh trang chuồng trại. Còn vùng rau ƯDCNC, đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 9 HTX và 16 THT trong vùng đề án, có gần 1.300ha ƯDCNC trong sản xuất rau, đạt 65% kế hoạch. Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, cây rau phát triển tốt hơn, sâu, bệnh ít hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và công lao động…, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-7 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống.

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc thực hiện chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc HTX Hương Trang (huyện Mộc Hóa) - Trần Văn Sữa nhận định: “Hiện nay, việc liên kết sản xuất nông nghiệp ƯDCNC giữa HTX và DN gặp rất nhiều khó khăn do mối liên kết chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng khi giá lúa có sự biến động.

Về hỗ trợ cơ giới hóa cho các THT, HTX, hiện tỉnh chưa triển khai thực hiện do các HTX đang thực hiện mô hình đã được nhận chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của tỉnh hoặc của huyện. Theo quy định tài chính, 1 HTX không thể nhận cùng lúc 2 nội dung hỗ trợ cùng một nguồn của nông nghiệp ƯDCNC. Các HTX khác thì chưa có nhu cầu hỗ trợ máy cơ giới hóa”.

Còn Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng cho biết: “Toàn tỉnh chỉ có khoảng 30% sản lượng rau đạt chứng nhận an toàn tham gia vào chuỗi cung ứng, siêu thị, cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh. Phần sản lượng còn lại bán cho thương lái nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc nhân rộng diện tích đạt chứng nhận GAP. Đồng thời, chi phí cấp chứng nhận GAP khá cao, thời gian tái chứng nhận ngắn khiến nhiều HTX ngán ngại tái chứng nhận khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian tới, đề nghị chính quyền các cấp đầu tư đồng bộ nguồn nước sạch, điện ở những khu vực sản xuất ƯDCNC và quan tâm giới thiệu, hỗ trợ các HTX sản xuất rau an toàn tiếp xúc với các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường học,... để đầu ra sản phẩm tốt hơn”.

Để chương trình đạt hiệu quả cao

Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu: “Các sở, ngành chức năng, chính quyền các cấp và các đoàn thể cần quan tâm hơn nữa, nhất là trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm giúp người dân nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tổ chức HTX, hướng dẫn HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012 và phát huy nội lực HTX; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, HTX trong ƯDCNC, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng các HTX điểm ƯDCNC, nhất là củng cố tổ chức, bộ máy, bảo đảm có phương án sản xuất, kinh doanh được thành viên thông qua, có trụ sở và bảng tên, được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ; có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Tiếp tục hỗ trợ THT, HTX, DN kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Củng cố các chuỗi thực phẩm được kiểm soát; tiếp tục hỗ trợ THT, HTX sản xuất đạt chứng nhận GAP tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm và chợ phiên nông sản an toàn ở TP.HCM; hỗ trợ các HTX điểm tham gia chương trình mỗi làng một sản phẩm; hỗ trợ các HTX rau trong tỉnh có nhà sơ chế rau trong thời gian tới; duy trì thực hiện thường xuyên việc gặp gỡ, đối thoại giữa các bên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bên liên quan tham gia chuỗi giá trị. Triển khai xây dựng mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán thực phẩm an toàn; làm việc với các bếp ăn tập thể tại trường học bán trú, khu, cụm công nghiệp để đưa các sản phẩm được chứng nhận an toàn vào tiêu thụ.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều hiệu quả

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều hiệu quả

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC nhằm bảo đảm việc vận chuyển máy móc, hàng hóa được thuận lợi; hỗ trợ vốn vay mua máy móc, vật tư ƯDCNC thông qua nhu cầu của HTX. Triển khai hiệu quả mô hình phát triển nông nghiệp ƯDCNC nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng các mô hình tốt, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do ngân sách nhà nước có hạn. Khuyến khích hỗ trợ các DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa DN và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức giao dịch thanh toán, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết