Tiếng Việt | English

16/11/2016 - 14:52

Hiệu quả từ chương trình SEQAP

Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học thông qua việc xây dựng mô hình dạy học cả ngày. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở các trường tham gia chương trình có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, các trường thuộc vùng khó khăn được giảm dần khoảng cách về điều kiện dạy và học so với các vùng thuận lợi khác trong tỉnh.


Học sinh học với phương pháp “khăn trải bàn”

Trường học được hỗ trợ tích cực, thiết thực

Chương trình SEQAP được triển khai từ năm học 2010-2011 đến năm học 2015-2016. Hiện, toàn tỉnh có 48 trường tiểu học với hơn 19.000 học sinh (HS) thuộc các huyện: Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Đức Huệ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường tham gia chương trình. Chương trình hỗ trợ từ khâu đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên qua các mô-đun đến kinh phí, từ học 1 buổi sang học cả ngày; đồng thời, hỗ trợ về cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, nhà đa năng, đầu tư trung tâm nguồn, quỹ giáo dục nhà trường, quỹ phúc lợi HS,... cho các trường tham gia. Từ đó, nhà trường có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng mô hình dạy học cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường Tiểu học Phước Lại (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) trước đây, HS chỉ học 1 buổi/ngày. Từ khi tham gia chương trình SEQAP, HS bắt đầu theo học chương trình T30 (chương trình dạy 7 buổi và 8 buổi/tuần). Các buổi chiều, HS được ôn tập, củng cố kiến thức được học vào buổi sáng và tham gia học các môn năng khiếu. Nhờ vậy, HS hiểu bài tại trường, không cần học, làm bài tập ở nhà hay học thêm. Bên cạnh đó, HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và nhà ở xa được hỗ trợ 2 suất ăn trưa/tuần. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ xây dựng 2 phòng học mới, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, giúp trường thuận lợi hơn trong việc tổ chức dạy học cả ngày. Đến năm học 2014-2015, 100% HS tham gia học theo chương trình T35 (chương trình tổ chức dạy học 9 buổi và 10 buổi/tuần), trong đó, khoảng 40% tham gia học bán trú. Chất lượng giáo dục của nhà trường càng được nâng cao.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Lại - Nguyễn Ngọc Quằn cho biết: “Nhờ chương trình SEQAP, trường có nguồn kinh phí đầu tư và tổ chức các hoạt động cho HS tham gia sinh hoạt vào buổi trưa, trong đó, bổ sung nhiều đầu sách hay cho thư viện, giúp phát triển văn hóa đọc trong HS. Ngoài ra, những suất cơm miễn phí giúp HS nghèo, khó khăn, nhà xa an tâm học tập, giảm gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, chương trình SEQAP kết thúc nhưng trường vẫn phát huy những hiệu quả mà nó mang lại, từ đó duy trì việc tổ chức dạy học cả ngày”.

Thấy được hiệu quả thiết thực của việc học cả ngày thông qua chất lượng giáo dục ngày một tăng lên nên phụ huynh HS, mạnh thường quân nhiệt tình đóng góp xây dựng nhà xe, tráng sân, làm căng tin cho trường, góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho HS, giáo viên. Hướng tới, Trường Tiểu học Phước Lại tiếp tục thực hiện xã hội hóa nhà ăn, đáp ứng nhu cầu học bán trú cho HS.


Học sinh chơi trò chơi theo chủ đề bài học

Giáo viên được nâng cao nghiệp vụ chuyên môn

Không chỉ được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, HS được hỗ trợ ăn trưa và khen thưởng từ các nguồn quỹ của chương trình, một trong những lợi ích lớn nhất chương trình mang lại là cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn các mô-đun. Từ đó, khả năng nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng này được nâng lên, nhiều phương pháp dạy hay được áp dụng, tạo sự hứng thú cho HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trường.

Cô Phạm Thị Kiều Trang - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Kiến Bình (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Thực hiện chương trình SEQAP, giáo viên được tập huấn kỹ các phương pháp dạy phù hợp với chương trình học cả ngày. Giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp dạy học như “bàn tay nặn bột”, “khăn trải bàn”, học nhóm,... giúp HS tự tìm ra kiến thức, từ đó hiểu và khắc sâu nội dung bài học hơn. Ngoài ra, tham gia chương trình, giáo viên còn được hỗ trợ tài liệu phục vụ việc dạy và học; đồng thời, thường xuyên tham gia tập huấn cũng như có nhiều điều kiện học hỏi phương pháp dạy hay từ đồng nghiệp. Nhờ vậy, giáo viên càng thêm vững nghiệp vụ chuyên môn”.

Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Trinh - giáo viên lớp 1/2, Trường Tiểu học Mỹ Thạnh Tây (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) cho biết: “Tham gia tập huấn theo chương trình SEQAP, bước đầu tôi gặp nhiều khó khăn với những phương pháp dạy mới. Vì khi áp dụng vào thực tế giảng dạy, cả giáo viên và HS đều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau 1-2 tháng làm quen, tiết học áp dụng phương pháp dạy mới đạt hiệu quả khá tốt. HS dần yêu thích cách dạy và học này, đặc biệt là phương pháp vấn đáp trực quan. HS phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và tự tin hơn so với trước đây”.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Các trường tham gia chương trình, đặc biệt là những đơn vị thuộc vùng khó khăn được tạo đà để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình, góp phần duy trì chất lượng giáo dục mặc dù chương trình kết thúc. Đồng thời, các trường tham gia chương trình cũng là những trường tiêu biểu về nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng trong việc nhân rộng thực hiện dạy học cả ngày ở các trường còn lại.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thị Huệ cho biết: Qua 6 năm thực hiện chương trình SEQAP, chất lượng giáo dục tiểu học ở các trường tham gia chương trình có những bước phát triển khá rõ nét. Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình cuối năm học trên 99%, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được nâng lên. Các trường triển khai chương trình đều có lộ trình thực hiện từ mô hình T30 sang mô hình T35. Ngoài ra, chương trình còn được sự tham gia của cộng đồng. Chương trình kết thúc với tổng kinh phí trên 102 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn ODA của Chính phủ trên 83 tỉ đồng, nguồn vốn đối ứng của địa phương gần 10 tỉ đồng, nguồn vốn xã hội hóa trên 9 tỉ đồng.

Hướng tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo nhân rộng chương trình đến các trường tiểu học còn lại, đồng thời, triển khai 15 mô-đun đến cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên trong toàn ngành; tiếp tục tuyên truyền, vận động cộng đồng hiểu rõ hơn về chương trình; tăng cường kiểm tra, giám sát để chương trình thực sự là nền tảng vững chắc trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học của toàn ngành./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết