Tiếng Việt | English

06/12/2016 - 15:02

Trường Tiểu học Nhơn Ninh A

Hiệu quả từ Chương trình SEQAP

Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học - SEQAP được triển khai từ năm học 2010-2011, đến nay, có 48 trường thuộc 9 huyện, thị xã tham gia. Sau 6 năm thực hiện Chương trình SEQAP, hoạt động của các trường có chuyển biến tích cực, nhất là việc chuyển đổi mô hình từ học nửa ngày sang học cả ngày, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng khiếu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh (HS).


Học sinh trường Tiểu học Nhơn Ninh A được tham gia vào các hoạt động theo sở thích ngoài giờ học

Chương trình mang lại lợi ích cho học sinh

Trường Tiểu học Nhơn Ninh A, xã Nhơn Ninh - xã vùng sâu của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Trường có 3 điểm: Tân Chánh, Đường Cắt và Tân Long. Toàn trường có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên, có 19 lớp, với 476 HS. Trường Tiểu học Nhơn Ninh A được tham gia Chương trình SEQAP từ năm học 2010-2011. Lúc đầu, cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu như phòng học, nhà bếp, nhà ăn, phòng nghỉ cho HS,... nên việc tổ chức học cả ngày gặp khó khăn.

Từ khi tham gia Chương trình SEQAP, ngoài việc giúp HS có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập cả ngày, giáo viên còn được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, được cung cấp tài liệu, phương tiện phục vụ việc nghiên cứu trong giảng dạy. Để việc dạy học cả ngày đạt hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thì công tác xã hội hóa giáo dục góp phần rất lớn vào sự thành công của nhà trường. Khi được sự thống nhất của phụ huynh HS, nhà trường làm tờ trình gửi đến UBND xã xin chủ trương thực hiện.

Để công tác xã hội hóa đạt hiệu quả, những việc làm cần phải mang tính thực tế, phù hợp và mang lại lợi ích thiết thực cho chính những con em của họ; điều quan trọng là không được "cào bằng" số tiền vận động mà tùy thuộc vào sự tự nguyện của mỗi người. Sau khi hoàn thành công việc, phải công khai tài chính rõ ràng với phụ huynh HS.

Sau thời gian thực hiện dạy học cả ngày theo mô hình T30 (nằm trong Chương trình SEQAP) đến nay, toàn trường chuyển sang dạy học cả ngày theo mô hình T33. HS được tham gia vào môi trường học tập nhẹ nhàng, thoải mái, vui tươi, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn, thể hiện hết năng lực bản thân, hứng thú học tập và tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Kỹ năng tự phục vụ, tự quản, kỹ năng ứng xử và giao tiếp của HS được hình thành và phát triển tốt. Chất lượng HS ngày càng được nâng lên rõ rệt. HS được đánh giá về kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất phải từ đạt yêu cầu trở lên.

Em Huỳnh Trung Hiếu - HS lớp 4 cho biết: "Thích vẽ nên con tham gia câu lạc bộ dạy vẽ ở trường. Từ khi tham gia, con vẽ đẹp hơn; đi thi, con cũng có giải. Con đang dự định tham gia câu lạc bộ cờ vua ở trường nữa!".

Từ khi triển khai Chương trình SEQAP, tất cả HS đều được tổ chức ăn trưa tại trường. Đến nay, sức khỏe các em luôn phát triển tốt, chỉ số cân nặng và chiều cao được tăng lên qua những đợt khám sức khỏe trong năm. Trường được bổ sung các trang thiết bị phục vụ việc tổ chức dạy học cả ngày, xây dựng bếp ăn, nhà ăn từ sự đóng góp của phụ huynh và mạnh thường quân, được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chứng nhận đạt tiêu chuẩn.


Học sinh trường Tiểu học Nhơn Ninh A được tham gia vào các hoạt động theo sở thích ngoài giờ học

Công tác xã hội hóa được sự đồng tình cao

Trong thời gian thực hiện Chương trình SEQAP, Trường Tiểu học Nhơn Ninh A nhận được sự đóng góp của mạnh thường quân, nhất là sự chung sức, chung lòng của cha mẹ HS, tạo điều kiện cho trường có được khuôn viên xanh - sạch - đẹp như: Trồng cây kiểng, lát đal sân trường, mở rộng thêm nhà xe ở điểm Đường Cắt,...

Phụ huynh còn tham gia chăm sóc sức khỏe HS như làm hệ thống rửa tay, hỗ trợ mua chiếu để các em ngủ trưa tại lớp, lát gạch men nền 2 phòng học điểm Tân Long, hỗ trợ làm nhà bếp, nhà ăn, mua sắm dụng cụ nấu ăn ở điểm Tân Chánh, tặng tivi để các em giải trí buổi trưa,... với tổng số tiền 550 triệu đồng và cả trăm ngày công lao động; hỗ trợ trên 60 triệu đồng chi trả tiền điện, nước. Để thực hiện tốt Chương trình SEQAP, điều mà nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS băn khoăn, lo lắng chính là việc tổ chức ăn trưa, nghỉ trưa cho các em.

Do bước đầu cơ sở vật chất còn thiếu nên chưa tổ chức nấu ăn tại trường mà phải hợp đồng dịch vụ cung cấp thức ăn. Chuẩn bị vào năm học, trường họp phụ huynh HS để thống nhất việc tổ chức bữa trưa cho HS. Sau đó, cùng ban đại diện cha mẹ HS họp, xét chọn và ký hợp đồng với dịch vụ cung cấp bữa ăn trưa cho các em (chọn những người có kiến thức về dinh dưỡng, được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, có sức khỏe tốt và nhất là có quyết tâm với nghề nghiệp).

Sau 2 năm thực hiện việc tổ chức ăn trưa cho HS với hình thức hợp đồng dịch vụ cung cấp thức ăn thì đến năm học 2012-1013, cùng với sự chung tay đóng góp của phụ huynh HS, trường xây dựng được bếp ăn, nhà ăn để phục vụ việc tổ chức nấu ăn tại trường.

Hiệu trưởng phân công nhân viên y tế phối hợp ban đại diện cha mẹ HS giám sát các khẩu phần ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm và có lưu mẫu thức ăn hàng ngày; thủ quỹ, kế toán và đại diện cha mẹ HS theo dõi thu - chi hàng tuần. Từ đó, cha mẹ HS an tâm khi đăng ký cho con em mình ăn trưa tại trường.

Trường Tiểu học Nhơn Ninh A không chỉ quan tâm về việc học, ăn trưa của các em mà các hoạt động vui chơi, giải trí cũng rất cần thiết. Do vậy, buổi trưa ở trường, các em được sinh hoạt theo nhóm sở thích: Xem tivi, đọc sách, vẽ tranh, chơi cờ vua, sinh hoạt các câu lạc bộ,... Ngoài học tập, vui chơi, các em còn được nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe.

Ngoài ra, trường còn phối hợp trạm y tế xã khám sức khỏe định kỳ cho các em 2 lần trong năm; nhân viên y tế trực xuyên suốt để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em. Thực hiện tốt việc phòng, chống bệnh học đường, nhất là các dịch bệnh theo mùa. Trường cũng thực hiện tủ thuốc học đường theo danh mục quy định của ngành Y tế ở cả 3 điểm trường từ nguồn quỹ trích lại của bảo hiểm y tế học sinh,...

Ông Nguyễn Văn Hải, một phụ huynh HS chia sẻ: "Tôi thấy việc vận động xã hội hóa ở trường khi thực hiện chương trình chăm sóc cho HS cấp tiểu học là rất tốt. Chương trình khơi gợi được sự đóng góp của cộng đồng trong việc tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho HS khi chuyển sang học cả ngày".

Từ khi thực hiện Chương trình SEQAP, chất lượng học tập của HS Trường Tiểu học Nhơn Ninh A được nâng lên theo từng năm học. Ban đại diện cha mẹ HS nhiệt tình, năng nổ, góp phần tích cực tham gia xây dựng nhà trường cả về cơ sở vật chất và công tác khuyến học.

Hiệu trưởng trường - Đặng Thị Phượng chia sẻ: "Mình phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để phụ huynh hiểu được tính ưu việt của dạy học cả ngày. Trường Tiểu học Nhơn Ninh A rất mừng khi có được ban đại diện cha mẹ HS rất nhiệt tình ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất. Thời gian qua, họ đóng góp cho trường xây dựng nhà bếp, nhà ăn, sân trường, trồng cây xanh, cây kiểng, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài trên 600 triệu đồng,...Ngoài ra, còn hỗ trợ các em các bữa ăn trưa, trang thiết bị trong lớp học từ quỹ giáo dục".

Những kết quả của việc dạy học cả ngày tại Trường Tiểu học Nhơn Ninh A là nhịp cầu cho những năm tiếp theo; mô hình dạy học cả ngày vẫn được nhà trường duy trì và phát triển./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích