Tiếng Việt | English

27/02/2018 - 11:13

Hiệu quả từ Đề án 1816

Tiếp nhận hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh dưới hình thức “cầm tay chỉ việc” từ các bệnh viện (BV) tuyến trên theo Đề án 1816 (tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới) của Bộ Y tế, chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật được chẩn đoán phức tạp.

Tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới

30 năm công tác tại BV Đa khoa khu vực (ĐKKV) Đồng Tháp Mười, Trưởng khoa Y học cổ truyền - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Đẩu thường xuyên đi cơ sở để hỗ trợ tuyến dưới. BS Đẩu chia sẻ: “Trước khi có Đề án 1816, tôi cùng những đồng nghiệp khác thường xuyên xuống các trạm y tế xã, đặc biệt là những địa bàn biên giới: Bình Hiệp, Thạnh Trị, Bình Tân,... để giám sát, kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật. Từ khi có đề án, việc đi cơ sở, hỗ trợ tuyến dưới đi vào nề nếp hơn. Những lần như vậy, chúng tôi chủ yếu hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở về phân tích, kê đơn thuốc an toàn, hướng dẫn tiêm phòng, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật châm cứu,... Sau đó, thỉnh thoảng, BV mời cán bộ tuyến cơ sở về tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong quá trình làm việc, nếu gặp khó khăn, thắc mắc gì, cán bộ y tế cơ sở có thể liên hệ qua điện thoại, anh em hỗ trợ hết mình”. 

Chuyển giao “Phẫu thuật trĩ kỹ thuật cao” (phương pháp Longo) tại Bệnh viện Đa khoa Long An

Chuyển giao “Phẫu thuật trĩ kỹ thuật cao” (phương pháp Longo) tại Bệnh viện Đa khoa Long An

Theo BS Đẩu, sau thời gian chuyển giao kỹ thuật, y tế cơ sở có sự phát triển, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong chuyên môn, nghiệp vụ. 

Giám đốc BVĐKKV Đồng Tháp Mười - BS Võ Văn Thắm nhận định, đề án giúp đội ngũ y, bác sĩ BV nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện thành công một số ca bệnh phức tạp: Mổ nội soi, mổ mắt kỹ thuật cao phaco, phẫu thuật nội soi khớp,... đặc biệt là chạy thận nhân tạo. Đây là thành công rất lớn của BVKV trong khám, chữa bệnh (KCB). Đạt kết quả này có sự hỗ trợ rất nhiệt tình của đội ngũ y, BS đến từ các BV lớn: BV Trưng Vương, BV Chợ Rẫy,...

Không chỉ luân phiên cán bộ y tế về hỗ trợ công tác KCB trong cùng địa phương, thời gian qua, BVĐK Long An đón nhiều lượt cán bộ từ BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Nhi Đồng 1, BV Hùng Vương, BV Mắt TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,... đến “cầm tay chỉ việc”. Các cán bộ luân phiên của tuyến trên hướng dẫn, chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của BVĐK tỉnh. Đó cũng là hiệu quả từ thực hiện Đề án 1816. 

Phẫu thuật nội soi tán sỏi bằng laser dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy

Phẫu thuật nội soi tán sỏi bằng laser dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo lãnh đạo BVĐK Long An, các BS BV tuyến trên hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật giúp cán bộ y tế BVĐK học tập thủ thuật tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt là ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, khám sàng lọc bệnh, hội chẩn trước khi phẫu thuật, kỹ năng phẫu thuật, cách chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh,... Đặc biệt, Long An đang triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Nhi và Sản khoa, chuẩn bị hoạt động tại cơ sở mới. Với đề án này, BVĐK tỉnh được BV Nhi Đồng 1 chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên ngành Nhi theo đề án BV vệ tinh.

Thời gian học tập tại BV Đại học Y Dược tuy ngắn nhưng giúp ích rất nhiều cho BS chuyên khoa I - Phạm Chí Trung cùng một số đồng nghiệp khác tại Khoa Ngoại chấn thương, BVĐK Long An. Anh nói: “Chúng tôi vừa làm việc, vừa sắp xếp thời gian đi học tập và tham gia những ca phẫu thuật, giúp nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Tôi học được nhiều điều về phẫu thuật nội soi khớp gối, tái tạo dây chằng chéo, rách sụn chêm trong chân,... Từ cuối tháng 12/2017 đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, BS Bùi Hồng Thiên Khanh (BV Đại học Y Dược) cùng chúng tôi thực hiện hơn 10 ca phẫu thuật tại BVĐK Long An”.

Nhờ chuyển giao kỹ thuật, chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười ngày càng nâng cao

Nhờ chuyển giao kỹ thuật, chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười ngày càng nâng cao

Đáp ứng nguyện vọng người bệnh

Từ thực hiện Đề án 1816, lần đầu tiên vào tháng 5/2016, BVĐKKV Đồng Tháp Mười vui mừng thông báo đến người bệnh lọc thận nhân tạo tại đơn vị. Mang trong mình căn bệnh quái ác này từ nhiều năm nay, mỗi tuần 3 lần, bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, đều đến BV Chợ Rẫy chạy thận nhân tạo. Từ khi BVĐKKV Đồng Tháp Mười có máy chạy thận nhân tạo, giúp bà và nhiều bệnh nhân mắc phải căn bệnh này đỡ vất vả hơn. Bà nói: “Trước đây, mỗi khi đến ngày chạy thận, tôi đều tranh thủ đi lúc đêm khuya hoặc đi từ hôm trước để kịp chạy thận vào sáng sớm hôm sau. Sức khỏe không tốt nên mỗi khi chạy thận, tôi thường thuê nhà trọ ở gần BV, chi phí khá tốn kém. Hơn 1 năm nay, BVĐKKV Đồng Tháp Mười triển khai chạy thận nhân tạo nên tôi đỡ được phần lớn chi phí. Mỗi lần chạy thận, chúng tôi được bảo hiểm y tế chi trả, đội ngũ y, BS nhiệt tình, chu đáo nên tôi thấy yên lòng”. 

Là một trong những người đi học tập tại BV Chợ Rẫy, về tiếp nhận bệnh nhân chạy thận, Trưởng khoa Nội tổng quát, BS chuyên khoa I, BVĐKKV Đồng Tháp Mười - Tăng Thị Tường Vân thông tin, hầu hết bệnh nhân đến điều trị tại BV là những người ở quê, cuộc sống khó khăn, trong đó có cả người dân biên giới Campuchia. Mắc phải căn bệnh này, từng ngày, bệnh nhân phải “giành giật” mạng sống với tử thần. Việc đưa vào lọc thận nhân tạo tại BV đáp ứng nguyện vọng và tạo thuận lợi cho rất nhiều bệnh nhân. Bệnh nhân không cần chuyển viện, BV còn thu hút khá đông lượng bệnh nhân đến khám và điều trị, giúp giảm tải cho tuyến trên. 

Thực hiện  Đề án 1816, bệnh nhân được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười

Thực hiện  Đề án 1816, bệnh nhân được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười

Từng được đội ngũ BS BV Đại học Y Dược TP.HCM và BVĐK Long An phẫu thuật nối dây chằng chéo trước gối thành công vào tháng 11/2017, giờ đây, sức khỏe của bà Lê Thị Kim Lan, ngụ phường 3, TP.Tân An, dần hồi phục. Bà chia sẻ, nhờ phẫu thuật tại BVĐK Long An nên bà không phải chuyển viện lên TP.HCM, thuận tiện cho gia đình chăm sóc sức khỏe. 

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - BS Huỳnh Minh Phúc cho biết, thực hiện đề án, ngành Y tế Long An cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới cũng như tiếp nhận nhiều lượt đội ngũ y, BS từ các BV Trung ương về hỗ trợ. Từ đó, nâng cao chất lượng KCB với chi phí điều trị thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại cơ sở KCB ban đầu (trạm y tế xã). Thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn. 

Theo ông Phúc, tại Long An, Đề án 1816 phát huy hiệu quả cao. Các ca phẫu thuật, chẩn đoán khó đều được thực hiện thành công, tạo sự tin tưởng cho người dân, giúp hàng ngàn lượt gia đình giảm chi phí chữa bệnh khi không phải đưa bệnh nhân lên các BV tuyến trên tại TP.HCM. Nhờ đó, các BV tuyến trên cũng giảm bớt áp lực do quá tải.

Để Đề án 1816 được duy trì và thực hiện hiệu quả hơn nữa, ông Phúc cho rằng, đề án cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương; có sự hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế đi kèm với việc hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới./.

Tại Long An, Đề án 1816 được thực hiện 10 năm nay. Ngoài chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, các bệnh viện này còn xây dựng phác đồ điều trị thống nhất các tuyến; xây dựng danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật; cập nhật kiến thức và rút kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị; đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho cán bộ tuyến dưới;...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết