Tiếng Việt | English

28/12/2018 - 06:27

Hiệu quả từ những mô hình giảm nghèo

Thời gian qua, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với sự nỗ lực của các hộ, nhất là hộ nghèo, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm ở địa phương đạt nhiều kết quả.

Mô hình nuôi bò sinh sản của Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Nâu, xã Thái Trị giúp nhiều hội viên thoát nghèo

Mô hình nuôi bò sinh sản của Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Nâu, xã Thái Trị giúp nhiều hội viên thoát nghèo

Nhiều hộ dân thoát nghèo

Được sự định hướng của Hội Phụ nữ (PN) cấp trên, Chi hội PN ấp Bàu Nâu, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An thực hiện hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản. Sau gần 2 năm thực hiện, mô hình góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện kinh tế gia đình cho hội viên.

Theo Chủ tịch Hội PN xã Thái Trị - Nguyễn Thị Bích Tuyền, mô hình nuôi bò sinh sản được thực hiện tại ấp Bàu Nâu từ tháng 02-2017, có 25 hội viên, PN tham gia. Để thực hiện mô hình, Hội PN xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chị em vay vốn hoặc sử dụng tiền tích lũy của gia đình để mua con giống và làm chuồng trại. Cùng với đó, hội phối hợp ngành chức năng tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh cho đàn gia súc.

Khi mới tham gia mô hình, chị Phạm Thị Kim Vốn được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Chương trình 135; để tiện công việc chăm sóc, chị vay vốn mua thêm 1 con bò giống về nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình chị được 7 con. Để chủ động nguồn thức ăn, chị tranh thủ cắt cỏ, trộn thêm các loại phụ phẩm nông nghiệp, giúp đàn bò tăng trọng nhanh. Năm 2018, gia đình chị Vốn thoát nghèo.

Hộ chị Hà Thị Ngọc vay 30 triệu đồng mua 2 con bò và được Nhà nước hỗ trợ thêm 1 con bò. Đàn bò được chăm sóc kỹ nên khỏe mạnh và phát triển tốt, đến nay, gia đình chị có 7 con bò. Gần đây, chị xuất bán 1 con được 15 triệu đồng.

Thấy công việc may gia công túi xách mang lại nguồn thu nhập khá, năm 2017, chị Đặng Thị Cẩm Giang, ngụ xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, quyết định học nghề may và đầu tư mua máy, nhận hàng về may gia công, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em trong xóm. Đến nay, cơ sở may túi xách của chị Giang hoạt động ổn định và ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hơn chục lao động nông nhàn tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ xã Vĩnh Châu A, tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ khi tham gia nghề may gia công túi xách, tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học”. 

Tiếp tục nhân rộng

Theo Chủ tịch Hội PN xã Thái Trị - Nguyễn Thị Bích Tuyền, mô hình nuôi bò sinh sản ở Chi hội PN ấp Bàu Nâu tuy mới thực hiện nhưng có những tín hiệu khả quan. Trong tổng số 25 hội viên tham gia, đến nay có 9 hộ thoát nghèo. Qua thực hiện mô hình, nhiều chị em mạnh dạn phát triển kinh tế, thay đổi nhận thức và hướng đến chăn nuôi gia súc hàng hóa, đây chính là hiệu quả mà mô hình mang lại. Thời gian tới, Hội PN xã tiếp tục vận động, khuyến khích và nhân rộng mô hình này đến các hội viên trong xã. 

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành - Phan Thị Mộng Thường cho biết: Công tác giảm nghèo thời gian qua được địa phương đặc biệt quan tâm, nhiều mô hình mới được người dân áp dụng góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo ở địa phương. Từ khi cây thanh long phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng lao động khá lớn thì nhiều hộ nông dân mạnh dạn tập hợp lao động nông thôn thành tổ, nhóm để giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Hiện trên địa bàn có hàng chục tổ, nhóm lao động được thành lập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương, từ đó, hộ nghèo giảm đáng kể, đến cuối năm 2018 còn 2,03%.

Hàng chục tổ, nhóm lao động nông thôn tại xã Thanh Phú Long giúp nông dân có thu nhập ổn định

Hàng chục tổ, nhóm lao động nông thôn tại xã Thanh Phú Long giúp nông dân có thu nhập ổn định

Từ hiệu quả của mô hình Tổ hợp tác phun thuốc ở xã Vĩnh Bửu trong năm 2017 giúp hộ nghèo có việc làm, tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống, năm 2018, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Hưng nhân rộng mô hình này thêm 2 tổ ở xã Vĩnh Châu A và Thạnh Hưng với 13 thành viên. Hiện tại, các tổ hợp tác phun thuốc hoạt động khá hiệu quả và giúp các thành viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh Phan Minh Quốc, ngụ xã Vĩnh Châu A, chia sẻ: “Từ khi nhận được máy phun xịt thuốc, tôi có việc làm thường xuyên, bình quân mỗi ngày thu nhập từ 200.000-300.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống”.

“Mô hình góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp hộ nghèo có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, có 9/20 thành viên ở 3 tổ hợp tác phun thuốc trên địa bàn huyện thoát nghèo và khả năng sẽ có từ 2-4 hộ thoát nghèo trong năm 2019. Mô hình tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới ở các xã còn lại trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Hưng - Võ Viết Vinh cho biết./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết