Tiếng Việt | English

21/06/2019 - 05:03

Hiệu quả từ những mô hình giúp phụ nữ nghèo

Xác định hội viên, phụ nữ (HV, PN) nghèo là đối tượng cần được ưu tiên, giúp đỡ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các địa phương triển khai nhiều phong trào, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, giúp HV, PN nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Từ những việc làm nhỏ

Xác định “Vận động hỗ trợ PN phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy các chương trình khác, Hội LHPN Việt Nam xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do PN làm chủ hộ để có kế hoạch giúp đỡ. Hiện, toàn xã có 43 hộ nghèo/1.792 hộ, trong đó có 17 hộ nghèo do PN làm chủ hộ. 

Nhằm tạo thêm nguồn lực giúp PN nghèo, Hội LHPN Việt Nam xã thực hiện tín chấp từ các nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Trụ nhằm tạo điều kiện cho chị em vay vốn. Với tổng dư nợ vốn ủy thác do Hội LHPN Việt Nam xã quản lý trên 9 tỉ đồng, hội giải quyết cho 368 hộ vay vốn. Nhiều mô hình giúp PN phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được 
hội nhân rộng như mô hình Trồng rau sạch, Hũ gạo tình thương, Nuôi heo đất,... Đặc biệt, các tổ may gia công, kết hạt cườm được duy trì nhiều năm qua giúp gần 70 PN có việc làm ổn định, tăng thu nhập. 

Các tổ may gia công giúp phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh) chia sẻ: “Trước đây, tôi không có việc làm ổn định, kinh tế gia đình rất khó khăn. Được sự giới thiệu của Hội LHPN Việt Nam xã, tôi tham gia tổ may gia công gần 4 năm nay. Hiện, thu nhập bình quân mỗi tháng của tôi khoảng 4 triệu đồng. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống”.

Bên cạnh đó, phong trào “PN làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” được triển khai bằng những việc làm thiết thực như tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm điện, nước sinh hoạt và thời gian. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Quê Mỹ Thạnh - Trần Thùy Lê cho biết: “Hội duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm tín dụng. Hiện xã có 34 tổ tiết kiệm tín dụng với 574 thành viên. Tổng số tiền đóng góp từ các tổ này trên 582 triệu đồng. 

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai những giải pháp thiết thực giúp PN có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu”.

Giúp phụ nữ phát triển kinh tế

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An phát động và làm nòng cốt thực hiện hiệu quả các phong trào: “PN tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “PN giúp PN nghèo vượt khó”,…Nhiều mô hình sáng tạo trong thực hiện lời dạy của Bác được xây dựng và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong HV, PN như Tiết kiệm xoay vòng, Nuôi heo đất, Áo trắng học đường, Tổ đám giỗ,…

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Tân Lập - Võ Thị Huê cho rằng: “Các chương trình hỗ trợ PN phát triển kinh tế, giúp đỡ nguồn vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tạo động lực cho HV, PN tăng gia sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội. Nhận thấy mô hình May gia công phát triển tích cực, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều HV, PN, hội tạo điều kiện mở các lớp học may cho chị em, đồng thời phối hợp các ngành, doanh nghiệp giúp các cơ sở gia công có nguồn thu ổn định”.

Các tổ may gia công giúp phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống

Từ đó, nhiều HV, PN có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như bà Nguyễn Thị Dễ, ngụ ấp 2, xã Tân Lập. Được biết, bà Dễ quê ở Kiên Giang, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà chọn xã Tân Lập làm nơi lập nghiệp. Không ruộng vườn, tài sản của bà không có gì ngoài căn nhà tạm bợ trên cụm dân cư. “Từ khi được tạo điều kiện tham gia tổ PN may gia công bao bì, thu nhập bình quân của tôi được 200.000 đồng/ngày. Nhờ vậy mà năm 2017, gia đình tôi thoát nghèo, đến năm 2018 thì thoát cận nghèo và sửa chữa được căn nhà khang trang hơn, các con của tôi được học hành đến nơi, đến chốn” - bà Dễ bộc bạch.

Nhờ được hỗ trợ, vay vốn để thoát nghèo, nhiều chị em PN có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội, cho vay nặng lãi phát sinh trên địa bàn. Đây là những tín hiệu vui cho thấy những phong trào, mô hình của Hội LHPN Việt Nam các địa phương không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết