Tiếng Việt | English

09/07/2020 - 17:53

Hiệu quả từ những tuyến đường ánh sáng an ninh

Những tuyến đường nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày càng an toàn hơn vào ban đêm phần nào nhờ hiệu quả từ mô hình Ánh sáng an ninh. Mô hình này được Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện thực hiện, quản lý, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) cho địa phương.

Mô hình Ánh sáng an ninh

Xuất phát từ mô hình tự phát người dân đóng góp tiền mua bóng đèn thắp sáng tuyến đường trên địa bàn dân cư để giữ gìn ANTT, an toàn giao thông, huyện có chủ trương nhân rộng mô hình với tên gọi Tuyến đường ánh sáng an ninh. Theo đó, Hội CCB huyện có kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn. Các địa phương rất linh hoạt trong xây dựng tuyến đường ánh sáng an ninh. Hội CCB huyện cũng thực hiện tốt công tác vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu.

Theo Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành - Trần Anh Tuấn, đến nay, Hội CCB huyện đã triển khai vận động xây dựng mô hình thắp sáng đường quê, tuyến đường an ninh với chiều dài 176,79km trên 141 tuyến đường với kinh phí trên 2,2 tỉ đồng. Đây là một trong những mô hình Dân vận khéo được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2017, từ đó, góp phần theo dõi, quản lý các đối tượng đến địa bàn cũng dễ dàng hơn nhờ ánh sáng từ hệ thống đèn lắp đặt”.

Hệ thống chiếu sáng trên đường nông thôn ấp Long Thuận,xã Long Trì
Hệ thống chiếu sáng trên đường nông thôn ấp Long Thuận,xã Long Trì

Đến nay, mô hình Ánh sáng an ninh của xã Long Trì đã triển khai được hơn 3 năm. Thời gian qua, mô hình nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân. Toàn xã hiện có 17 tuyến đường/7 ấp với tổng chiều dài trên 15km, lắp đặt 403 bóng đèn với nguồn kinh phí vận động nhân dân và xã hội hóa.

Theo Chủ tịch Hội CCB xã Long Trì - Trương Văn Đua, những năm đầu triển khai, thực hiện, việc vận động gặp không ít khó khăn vì người dân chưa thấy được hiệu quả. Sau vài tuyến đường hoàn thành, người dân thấy được lợi ích của việc lắp đèn chiếu sáng, nhất là nạn trộm vặt hạn chế nhiều, từ đó, phấn khởi, đồng lòng cùng địa phương thực hiện. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít. Hiện nay, xã chỉ còn tuyến đường kênh T2 dài 4km đang chờ lắp đèn. Khi tuyến đường này hoàn thành thì “ánh sáng an ninh” sẽ bao trùm trên toàn xã. Vấn đề khó khăn hiện tại là thiếu nguồn vốn để bảo quản, sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Lực, 63 tuổi, người dân ấp Long Thuận, vui mừng: “Từ khi mô hình Ánh sáng an ninh được triển khai, thực hiện, người dân trong ấp rất phấn khởi và hưởng ứng tích cực. Đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, tình trạng trộm cắp vặt. Công nhân tăng ca, học sinh đi học buổi tối, vận chuyển hàng hóa về đêm cũng cảm thấy an tâm hơn. Tình trạng thanh niên tụ tập đêm khuya cũng không còn”.

Xây dựng tuyến đường Ánh sáng an ninh là chủ trương hợp lòng dân, góp phần làm sáng thêm bộ mặt nông thôn, bảo đảm ANTT, hạn chế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông ở nông thôn. Để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, vai trò của Hội CCB tự quản rất quan trọng, không chỉ là vận động các hộ dân trên các tuyến đường đồng ý kéo dây điện, gắn bóng đèn là xong, mà quan trọng hơn là quá trình vận hành, bảo quản để phát huy hiệu quả lâu dài./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết