Tiếng Việt | English

03/10/2018 - 12:30

Hiệu quả từ sản xuất rau công nghệ cao

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức của nông dân (ND), góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Thay đổi nhận thức

Hiện tỉnh Long An có hơn 13.500ha rau, năng suất 164,1 tạ/ha, sản lượng 221.609 tấn/năm, có 22 hợp tác xã (HTX), 20 tổ hợp tác liên kết doanh nghiệp sản xuất rau. Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh xây dựng được 41 mô hình với tổng diện tích 795,2ha ƯDCNC trong sản xuất rau.

Nông dân từng bước cải tiến quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, sau hơn 2 năm thực hiện ƯDCNC trên rau, các mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP ngày càng được nhân rộng, ngành nông nghiệp hướng dẫn ND sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, kết hợp tưới tiết kiệm, sử dụng giống sạch bệnh, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, ủ phân hữu cơ bằng nấm Trichoderma từ các phụ phẩm nông nghiệp. Các mô hình sản xuất ƯDCNC mang lại hiệu quả cao, sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, cây rau phát triển tốt hơn, sâu, bệnh ít hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động, sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn,... năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-7 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống. Hiện nay, tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An, việc triển khai ƯDCNC trong sản xuất rau được nhiều ND hưởng ứng, tự nhân rộng, nhất là tại vùng trồng rau truyền thống của tỉnh vì vừa hạn chế sâu, bệnh, vừa tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Hiện diện tích rau màu trên địa bàn duy trì ổn định khoảng 680ha. Sản lượng khá, ND từng bước cải tiến quy trình sản xuất theo hướng ƯDCNC, an toàn thực phẩm. Đầu năm đến nay, huyện triển khai 8 mô hình sản xuất rau ƯDCNC tại 4 xã Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân với tổng diện tích 5,6ha. Ngoài ra, mô hình vườn ươm cây con tại HTX Rau an toàn Phước Hòa được thực hiện. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho ND trong sản xuất”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau Mười Hai (huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy, hiện HTX có 25 thành viên và có hơn 8ha rau ƯDCNC. Thời gian qua, HTX đầu tư hàng tỉ đồng để trang bị nhà lưới, hệ thống tưới tự động. Trong canh tác, các xã viên cũng sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu, bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động. Mỗi ngày, HTX thu hoạch hơn 6 tấn rau sạch. Từ ngày thành lập HTX đến nay, có hàng chục doanh nghiệp đến tìm hiểu việc sản xuất rau và bao tiêu sản phẩm, tạo ổn định đầu ra cho ND”. Ông Lê Phước Tồn - thành viên HTX Rau Mười Hai, cho biết: “Dù vốn đầu tư sản xuất rau ƯDCNC cao nhưng hiệu quả rất rõ rệt. Mỗi năm, với 1.000m2, người trồng rau ƯDCNC giảm được trên 20 triệu đồng tiền nhân công tưới nước theo kiểu cũ, giảm chi phí đổi đất nhờ sử dụng phân vi sinh làm đất tơi xốp, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Lợi nhuận tăng hơn rất nhiều”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng cho rằng, thời gian qua, nhờ sản xuất rau ƯDCNC đạt hiệu quả cao mà người dân dần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng sản phẩm sạch và nâng cao hiệu quả. Mỗi ngày, HTX thu mua của các thành viên khoảng 4 tấn rau sạch. Số lượng rau này được cung ứng cho thị trường TP.HCM và hệ thống nhà trẻ, nhà hàng, bếp ăn tại địa phương.

Nâng cao hiệu quả

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Bên cạnh yêu cầu về giống chất lượng, ND phải ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ tự động, công nghệ tưới phun mưa, phun sương, nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động theo nhu cầu dinh dưỡng của cây,... Đồng thời, công tác chỉ đạo sản xuất rau theo chuỗi thực phẩm an toàn bước đầu đạt kết quả. Ngành đang tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; theo dõi chặt việc thực hiện các biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ đã ký kết để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX rau sạch,... Hiện các đối tác tham gia chuỗi từng bước nắm bắt đầy đủ các quy định, kiến thức về quản lý chuỗi, về an toàn thực phẩm quy trình sản xuất an toàn, quy định giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi, quy định truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích