Tiếng Việt | English

26/06/2019 - 14:23

Hiệu quả tuyên truyền giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo. Qua đó, người nghèo tiếp cận được các dự án, chương trình giảm nghèo, đồng thời nâng cao ý thức trong việc chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Cuối năm 2018, anh Bùi Văn Chổi chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo

Cuối năm 2018, anh Bùi Văn Chổi chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo

Hộ nghèo, cận nghèo hưởng được nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như hỗ trợ tiền điện, nước; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; miễn, giảm học phí,... Từ những lợi ích này, một số người nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước mà không có ý chí vươn lên thoát nghèo. 

Xác định được vấn đề này, thị xã Kiến Tường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo; đánh giá, bình xét hộ nghèo một cách công khai, minh bạch, không chạy theo thành tích; nêu gương người nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo; nhân rộng những mô hình hay;... Kết quả, năm 2018, thị xã Kiến Tường là đơn vị đứng đầu tỉnh về công tác giảm nghèo, bởi có 159 hộ thoát nghèo, 211 hộ thoát cận nghèo, đặc biệt có nhiều hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. 

Xã Bình Hiệp là đơn vị dẫn đầu thị xã về số hộ nghèo viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Theo đó, năm 2018, xã có 45 hộ nghèo và 55 hộ cận nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đạt 100%. Điển hình như trường hợp gia đình anh Bùi Văn Chổi. Được biết, gia đình anh Chổi sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nhưng kinh tế vẫn ổn định. Tuy nhiên, vợ anh Chổi đột nhiên bị bệnh hiểm nghèo, từ đó gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Trước tình hình trên, xã Bình Hiệp xét cho gia đình anh vào diện hộ nghèo. Nhờ vậy, gia đình anh vừa được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, vừa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để có điều kiện chữa bệnh. Cuối năm 2018, bệnh của vợ anh thuyên giảm, kinh tế gia đình ổn định nên anh Chổi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Anh Chổi tâm sự: “Lúc khó khăn, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành và xã hội. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, mình phải nhường sự giúp đỡ còn lại cho những người cần thiết, bởi trong xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương cần được chia sẻ, động viên”.

Để nâng cao ý thức người dân trong việc giảm nghèo, theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trần Thị Băng Tuyết: “Hàng năm, xã đều tiến hành rà soát, đánh giá từng hộ nghèo, từ đó đưa ra biện pháp giảm nghèo bền vững, không chạy theo thành tích làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đặc biệt, vào cuối năm, xã đều tổ chức họp dân bình xét hộ nghèo và đăng ký mới, gồm các thành phần: Bí thư chi bộ ấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo,... Tại đây, người nghèo tự đánh giá về khả năng kinh tế của nhau, từ đó bày tỏ nguyện vọng cần hỗ trợ thêm hoặc cảm thấy kinh tế ổn định sẽ chủ động xin ra khỏi hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm qua từng năm, đời sống người dân không ngừng nâng lên”.

Mô hình Nuôi gà Bình Định giúp người dân xã Bình Tân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống

Mô hình Nuôi gà Bình Định giúp người dân xã Bình Tân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống

Thị xã Kiến Tường không chỉ là “điểm sáng” về số lượng hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo mà còn là địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Cụ thể, mô hình Nuôi gà Bình Định ở xã Bình Tân mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho nông dân. Người đầu tiên khởi xướng nuôi gà Bình Định là ông Nguyễn Thanh Hữu, ngụ ấp Cái Đôi Đông. Ông Hữu cho biết: “Trước đây, tôi chỉ nuôi vài chục con gà để dành khi nhà có đám tiệc, nhưng thấy giống gà Bình Định dễ nuôi, thịt ngon nên quyết định nuôi kinh doanh. Giờ đây, hàng năm, gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng từ nuôi gà Bình Định”.

Thấy mô hình mang lại lợi nhuận cao, đến nay, xã có hơn 10 hộ nuôi gà Bình Định. Thức ăn cho gà chủ yếu là chuối cây và bắp, từ đó thịt gà vừa ngọt, vừa dai nên thương lái rất thích, đến tận nơi thu mua, với giá dao động từ 55.000-80.000 đồng/kg. Thông qua mô hình này, góp phần giúp xã Bình Tân giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân - Nguyễn Thanh Bình nói: “Bình Tân đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới, vì thế tiêu chí hộ nghèo rất được quan tâm. Và để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xã vừa nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, vừa dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người nghèo. Đến nay, đời sống người dân ổn định, làng quê ngày càng khởi sắc”.

Có thể nói, thị xã Kiến Tường thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững bằng những hành động, việc làm thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người nghèo, xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước.

Cuối năm 2018, thị xã Kiến Tường còn 3,69% hộ nghèo, 6,24% hộ cận nghèo./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết