Tiếng Việt | English

25/09/2018 - 15:43

Hiệu quả việc ứng dụng chữ ký số trong cải cách hành chính

Với mục tiêu hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, Long An đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, đặc biệt là triển khai, sử dụng chữ ký số (CKS) trong gửi và nhận văn bản (VB) điện tử.

Đến nay, gần 100% cơ quan thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn Cần Đước sử dụng chữ ký số vào việc gửi, nhận văn bản điện tử

Đến nay, gần 100% cơ quan thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn Cần Đước sử dụng chữ ký số vào việc gửi, nhận văn bản điện tử

Bước đột phá trong cải cách hành chính

Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông) - Tăng Thị Ngọc Em cho biết, năm 2015, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, nâng mức sử dụng CKS chuyên dùng trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 1.115 chứng thư số (CTS) được cấp (gồm 413 CTS cơ quan và 702 CTS cá nhân) cho 19 sở, ngành tỉnh (gồm các chi cục trực thuộc) và 15 UBND cấp huyện (gồm các phòng chuyên môn và UBND cấp xã). Riêng đối với các phòng chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã, dự kiến đầu quí IV-2018 hoàn thành và đưa vào thực hiện đồng bộ CKS. Việc triển khai, sử dụng CKS được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an toàn, tin cậy cho các giao dịch điện tử; đồng thời, giúp việc trao đổi thông tin, cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Xác định đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH, thời gian qua, huyện Cần Đước chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn phòng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại và ứng dụng CNTT đồng bộ. Đặc biệt, năm 2016, huyện đồng loạt triển khai, ứng dụng CKS trong gửi, nhận VB điện tử và trở thành một trong những địa phương đi đầu về sử dụng CKS trong tỉnh. Đến nay, gần 100% cơ quan thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng CKS vào việc gửi, nhận VB điện tử. Riêng lãnh đạo huyện, việc triển khai, sử dụng CKS trong xử lý VB được thực hiện từ năm 2014.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Cần Đước - Trương Hữu Định thông tin: “Trước đây, việc ký VB theo cách truyền thống, tôi phải có mặt tại cơ quan để xử lý, sau đó giao lại cho văn thư phát hành. Từ khi ứng dụng CKS, tôi có thể xử lý VB mọi lúc, mọi nơi, có khi buổi tối ở nhà vẫn tranh thủ xử lý VB nhằm bảo đảm tiến độ công việc”.

Cũng theo ông Trương Hữu Định, VB được ký số có bản in đẹp, rõ ràng hơn so với VB ký truyền thống, đồng thời, việc giả mạo một VB ký số hầu như không thể. Việc ứng dụng CKS, trên phần mềm hiển thị rõ thời gian VB được xem, xử lý, chuyển, tiến trình xử lý VB,... Qua đó, bảo đảm không xảy ra trường hợp không nhận hoặc không đọc được VB, việc lưu trữ và tìm kiếm VB cũng đơn giản hơn.

“Từ khi ứng dụng CKS, tôi có thể xử lý VB ngoài giờ hành chính. Việc ứng dụng CKS nói riêng và ứng dụng CNTT vào xử lý VB nói chung không chỉ hỗ trợ chúng tôi trong việc xử lý nhanh, hiệu quả các VB hành chính mà còn quản lý, theo dõi chặt chẽ việc xử lý VB của từng phòng, ban, đơn vị” - Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng nhận xét.

Hướng đến chính quyền điện tử

Ứng dụng CKS, mọi VB từ khâu soạn thảo đến trình ký, phát hành đều được thực hiện đúng quy trình trên phần mềm kết nối Internet, vừa nhanh, tiện lợi lại tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức. Tuy vậy, hiện nay, việc triển khai, thực hiện CKS chuyên dùng trong các cơ quan hành chính Nhà nước còn gặp không ít khó khăn.

“Hiện nay, tỉnh còn nhiều đơn vị được cấp CTS nhưng chưa triển khai ký số, nhất là UBND cấp huyện và đơn vị trực thuộc sở, ngành. Việc cài đặt phần mềm ký số phức tạp, nhiều thao tác nên phần lớn phải có sự hỗ trợ của cán bộ CNTT; trong khi đó, cán bộ CNTT cấp tỉnh, huyện đều kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa hỗ trợ kịp thời khi cần thiết” - Trưởng phòng CNTT - Tăng Thị Ngọc Em thông tin.

Chuyên viên Quản trị mạng huyện Cần Đước - Lê Minh Phụng cho biết: “Hiện tại, thiết bị ký số chỉ hỗ trợ trên máy có kết nối Internet; trong khi đó, lãnh đạo huyện thường xuyên đi công tác nên ảnh hưởng đến việc triển khai CKS. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CKS ở cấp xã còn chậm do một số địa phương, cán bộ chưa thành thạo trong ứng dụng CNTT, phần mềm quản lý và điều hành VB trên môi trường mạng”.

Theo Trưởng phòng CNTT - Tăng Thị Ngọc Em, nhằm khắc phục những tồn tại trong triển khai, ứng dụng CKS chuyên dùng trong các cơ quan hành chính Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai giải pháp mạng truyền số liệu chuyên dùng đồng bộ từ tỉnh đến xã; tổ chức các lớp tập huấn sử dụng CKS cho cấp huyện, xã; tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Nhà nước sử dụng phần mềm quản lý VB, khai thác VB điện tử và tổ chức ký số VB điện tử;... Qua đó, phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% cán bộ, công chức sở, ngành, UBND cấp huyện, xã được cấp tài khoản và sử dụng phần mềm quản lý VB điện tử; ít nhất 80% VB trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; trên 50% VB phát hành đi của mỗi cơ quan được ký số.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, hiện nay, tỷ lệ VB được ký số trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm. Nếu năm 2015, tỷ lệ VB được ký số của tỉnh đạt 5% (10.700/203.000 VB đi) thì 6 tháng năm 2018 đạt 35% (35.500/99.000 VB đi), tăng 30% so với năm 2015. Việc triển khai, ứng dụng CKS trong gửi, nhận VB điện tử tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chuyên nghiệp hóa nền hành chính nhà nước.

Việc triển khai, sử dụng chữ ký số là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử

Việc triển khai, sử dụng chữ ký số là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử

6 tháng năm 2018, UBND tỉnh ban hành 12/15 quyết định hợp nhất đài truyền thanh, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà thiếu nhi cấp huyện; 3/15 huyện xây dựng đề án hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, trạm quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp; 3/14 huyện xây dựng đề án giải thể trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.

Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh tiến hành kiểm tra 64 quyết định và 42 văn bản của HĐND, UBND cấp huyện (10 nghị quyết và 32 quyết định) liên quan đến việc thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, phát hiện 2 văn bản ban hành chưa phù hợp theo pháp luật, đã thông báo cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tự kiểm tra, xử lý theo quy định. Kết quả, có 1 văn bản được xử lý theo quy định, 1 văn bản vẫn còn trong thời hạn xử lý theo quy định.

Đến nay, UBND tỉnh cơ bản thực hiện xong Đề án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền. Đối với cấp xã, tỉnh bố trí kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách, trung bình giảm 22,3%, tương ứng với 864 người so với quy định. Riêng đối với ấp, khu phố, tỉnh bố trí kiêm nhiệm các chức danh, giảm 1.392 người, tương ứng giảm 15%./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết