Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 08:11

Hồ Chí Minh: Nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn gắn bó với báo chí, Bác xem báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất. Bác từng khẳng định: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới...”.

Người khơi nguồn báo chí cách mạng

Ngay từ những năm đầu của chuyến hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bác tự học tiếng nước ngoài và học làm báo.

Những ngày đầu, Bác được Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo Sinh hoạt công nhân nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí đơn giản. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung.

Năm 1919, Bác viết và gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất tại Versailles bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam - đây là bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề “Quyền các dân tộc”.

Ảnh: internet

Năm 1922, khi đang hoạt động cách mạng ở Pháp, Bác sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Tháng 11/1924, Bác về Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội với báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận.

Báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21/6/1925, đến tháng 4/1927 ra được 88 số bằng tiếng Việt, Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận. Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta. Tháng 02/1927, báo Lính Kách Mệnh (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác sáng lập.

Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật từ năm 1922 tại Pháp, năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1928 tại Thái Lan, năm 1929 tại Hồng Kông do Bác sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho thành lập một đảng cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ của thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 05/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng (Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng Nói Của Chúng Ta,...).

Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập và năm 1942 là báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 02/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân Dân.

Người thầy vĩ đại

Ngoài việc sáng lập, tổ chức hoạt động các tờ báo và cộng tác viết báo, Bác còn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam, việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo. Bởi vì, theo Bác “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc (ngày 17/8/1952), Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp với các vấn đề đó: Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?

Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí lúc bấy giờ: Bài báo thường quá dài “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng... Nhưng Bác luôn khẳng định giá trị to lớn của báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo.

Theo Bác: Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày, nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.

Ảnh: internet

Suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Bác chưa một lần nhận mình là một nhà thơ, nhưng tự nhận mình là nhà báo: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”.

Bác để lại một sự nghiệp làm báo đồ sộ với trên 2.000 bài viết, 174 bút danh, bí danh, mật danh khác nhau được đăng ở nhiều báo trong và ngoài nước bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh: Ông Ké, Thu Sơn, Chí Minh, Già Thu, Tân Sinh, Trần Thắng Lợi, Lê Nhân, Lê Quyết Thắng, Q.T, Q.Th, XYZ, G.T.T, G, A.G, A.P, Trần Lực, Tuyết Lan, Luật sư Th.Lam, Trần Lam, T.Lam, Thanh Lan, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, Nói Thật, Việt Hồng, Lê Ba, La Lập, C.B, VK, HL, Đ.LĐ, Ph.KA, CK, C.H, Kopp, C.S, LyWang, Chiến Thắng, Bình Sơn, Bé Con, Mộng Liên, N, N.A.K, N.A.Q, N.D, N.Ái Quốc, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thao Lược, Nguyễn Tâm, Nguyễn Kim, Nguyễn Du Kích, Nhân Dân,...

Bác viết báo bằng lòng yêu nước, bằng ý chí cách mạng; viết báo để đấu tranh chống lại chế độ thực dân bất công, giải phóng dân tộc khỏi cảnh lầm than, áp bức. Mục đích cao đẹp ấy giúp Bác tạo ra những bài báo đa dạng, phong phú về chủ đề, văn phong độc đáo nhưng rất gần gũi, cuốn hút người đọc, thuyết phục mọi người gia nhập đội quân cách mạng. Bác là nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Học tập Bác, mỗi nhà báo hôm nay hãy luôn “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, hướng ngòi bút của mình vào cuộc đấu tranh cho lẽ công bằng, dân chủ, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước Việt Nam ngày nay và mai sau./.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An

Đinh Ngọc Lâm

Chia sẻ bài viết